Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Cố đô Huế, được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, khi xây dựng Đàn Xã Tắc, tất cả các thành, dinh, trấn trên toàn quốc theo chỉ dụ của triều đình phải góp đất sạch để đắp đàn. Đàn Xã Tắc trở thành biểu tượng thiêng liêng của quốc gia - tượng trưng cho đất đai của cả nước.
Trước đó, trong chuyến công tác vào tháng 5/2017 của Báo Tuổi Trẻ và Quân chủng Hải Quân mang đất thiêng từ khắp mọi miền của Tổ quốc ra đảo Trường Sa, đoàn đã mang những khuôn đất từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa về với đất liền.
Những khuôn đất từ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa về với đất liền để hòa vào Đàn Xã Tắc, với ý nghĩa xã tắc non sông vẹn toàn, Trường Sa luôn ở trong lòng người dân Việt; thể hiện ý chí, sức mạnh trường tồn sự nối liền không thể chia cắt của non sông Việt Nam. Khẳng định khát vọng về một vùng biển hòa bình; tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ, đồng bào đang ngày đêm bám biển và khẳng định chủ quyền biển đảo.
Phạm Hà