Tỉnh Thừa Thiên Huế có lợi thế về khoa học - công nghệ, nơi có đội ngũ trí thức đông đảo thứ 3 cả nước, có các thiết chế khoa học - công nghệ phát triển tương đối hoàn chỉnh với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; nhiều viện, phân viện và trung tâm nghiên cứu thuộc các bộ, ngành… Cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngày 15/11/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU “về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực và cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Đây là đặc thù của tỉnh Thừa Thiên Huế so với các địa phương khác; ngoài ra, việc xây dựng thành công trung tâm khoa học - công nghệ có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến việc hiện thực hóa các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành 3 trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc; y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Những kết quả quan trọng
Sau hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU, các thành tựu về KH&CN ngày càng được ứng dụng rộng rãi, qua đó, thúc đẩy sự phát triển mọi lĩnh vực của đời sống. Nổi bật là KH&CN đã cung cấp các luận cứ khoa học để hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương. Theo thống kê, trong giai đoạn 2012 - 2016, có 85 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh đã được triển khai. Thông qua các đề tài, như: “Luận cứ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng phát triển bền vững”; “Điều tra cơ bản tổng hợp có tính định hướng điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên các huyện của Thừa Thiên Huế”; “Quản lý quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế trên nền GIS ”; “Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên văn hoá, du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế”;... đã cung cấp các thông tin có giá trị, những luận cứ đáng tin cậy, làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, từ đó, phục vụ đắc lực cho tỉnh, các ngành, địa phương trong việc xây dựng các mục tiêu, giải pháp, đề án phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, nhờ chú trọng đầu tư cho các hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chuyển giao, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nên KH&CN đã góp phần thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Điều này được phản ánh qua tỷ trọng đóng góp của Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng của GRDP của tỉnh có xu hướng tăng dần qua các các giai đoạn: giai đoạn 2001 - 2005: 11,60% đến giai đoạn 2011 - 2015 đạt 26,34%. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng chú trọng hơn việc đầu tư cho các hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chuyển giao hoặc đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp có hàng hoá xuất khẩu đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001, ISO 14000, HACCP, SA 8000... các sản phẩm có chất lượng ổn định, tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu, điển hình là các mặt hàng: thuốc chữa bệnh, hải sản đông lạnh, hàng may mặc...
Hội nghị nghiệm thu một đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh trong năm 2018.
Một đóng góp nổi bật khác đó là kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã tác động toàn diện, tích cực đến mọi lĩnh vực. Các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xã hội nhân văn đã giải quyết được một số vấn đề làm luận cứ khoa học cho một số dự án KHCN về phát triển kinh tế vùng, xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực; đề xuất các giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, phát huy giá trị lịch sử văn hoá của các khu di tích, cảnh quan, phát triển du lịch sinh thái đầm phá; cung cấp nguồn tư liệu sinh động về tiếng nói trong văn hoá truyền thống của người PaKô, Tà ôi... KH&CN được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, làm thay đổi những tập quán sản xuất theo truyền thống. Các nhiệm vụ KHCN trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và bảo vệ môi trường đã tập trung hướng nghiên cứu điều tra cơ bản; trong đó có điều tra bổ sung về khoáng sản, nguyên liệu thay thế cát lòng sông, bổ sung, khí hậu thủy văn,... và điều tra về đa dạng sinh học, các thông số về môi trường, đánh giá tổng hợp tài nguyên phục vụ phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, du lịch, bảo tồn, giảm nhẹ thiên tai... Bên cạnh đó, KH&CN đã dần làm thay đổi sâu sắc các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như: công nghiệp, xây dựng, giao thông, y tế, văn hóa...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiệm vụ đặt ra hiện nay
Hiện nay, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã đặt các quốc gia, các địa phương trước những cơ hội quý báu cũng như nhiều thách thức. Để chủ động nắm bắt cơ hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 cần thực hiện các chiến lược, chương trình một cách thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời việc nâng cao năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng được đặt ra cấp thiết đối với từng bộ, ngành, địa phương.
Hội thảo về Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Thừa Thiên Huế.
Để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm KH&CN của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nâng cao tính hiệu quả ứng dụng của đề tài KHCN, nhất là đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo cơ chế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, tăng cường việc khai thác, chuyển giao các đề tài đến với các doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ y học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường... vào một số lĩnh vực chủ yếu: nông - lâm - ngư nghiệp, y - dược, công nghệ chế biến, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hoá Huế. Mặt khác, ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật về KH&CN, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ hợp lý đội ngũ cán bộ KHCN nhất là các chuyên gia đầu ngành.
Bích Ngọc