336
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 04/12/2018 15:22
Kế hoạch triển khai thực hiện Hướng dẫn 02-HD/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Ngày 30/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 91-KH/TU về triển khai thực hiện Hướng dẫn 02-HD/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

Thông qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhằm góp phần làm rõ, bổ sung, hoàn thiện nền tảng tư tưởng của Đảng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; chuẩn bị xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện phải bảo đảm tính khoa học, phát huy tinh thần dân chủ, đổi mới, sáng tạo; bảo đảm khách quan, trung thực, tiết kiệm, hiệu quả.

- Cấp ủy đảng các cấp, các ban, ngành liên quan chủ động lựa chọn vấn đề cần tổng kết, nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị mình; các cơ quan nghiên cứu lý luận giữ vai trò nòng cốt, hạt nhân kết nối trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.

- Báo cáo tổng kết, nghiên cứu phải đánh giá đúng kết quả đạt được; những mô hình mới, những cách làm hay; những hạn chế, yếu kếm; những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần giải quyết của từng lĩnh vực, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế; rút ra bài học kinh nghiệm; đề xuất chủ trương, quan điểm, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tiếp theo; nêu đề xuất, kiến nghị với cấp trên.

II. Nội dung, cách thức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận

1. Nội dung

- Lĩnh vực kinh tế: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng về kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài; cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; xây dựng nền kinh tế số và các chủ trương, giải pháp để tiếp cận, khai thác và phát huy các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Lĩnh vực văn hóa, xã hội: Xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh, phòng, chống các tệ nạn xã hội; giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; phát triển, quản lý xã hội bền vững, đồng thuận, kỷ cương; trồng và bảo vệ rừng; bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới; bảo vệ biên giới, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh mạng, an ninh thông tin; phòng, chống “diễn biến hòa bình”, tội phạm, tệ nạn xã hội và các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội chính trị; hội nhập quốc tế, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước, các tổ chức quốc tế, các ngành, địa phương nước ngoài.

- Lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng. Công tác tổ chức cán bộ (tuyển dụng, đánh giá, quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm…); những kinh nghiệm hay, mô hình mới trong sắp xếp, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, cải cách hành chính; công tác kiểm tra, giám sát; công tác dân vận; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể; phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

2. Cách thức tổng kết, nghiên cứu

2.1. Cơ sở chọn vấn đề tổng kết, nghiên cứu

- Căn cứ các nội dung cụ thể trong Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Hướng dẫn 02-HD/TW, ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận.

- Sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đã ban hành theo các nội dung trên.

- Sự lựa chọn và giao vấn đề tổng kết, nghiên cứu của cấp trên.

* Lưu ý: Việc tổng kết phải chú trọng nội dung nghiên cứu đề xuất những vấn đề về lý luận; đối với các chỉ thị, nghị quyết đã được sơ kết, tổng kết, tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh báo cáo để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

2.2. Cơ quan chỉ đạo, tham mưu

- Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, và các cơ quan liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để tiến hành tổng kết các nội dung thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc việt Nam tỉnh chỉ đạo, tổ chức tổng kết việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Các ban Đảng và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

- Đảng ủy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2.3. Thời gian thực hiện: Từ nay đến ngày 31/12/2019.

Xem chi tiết tại file đính kèm:

Tinhuytthue.vn

Tệp đính kèm: