Cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Hạnh, nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội A Lưới, người trực tiếp tham gia mở đường, chiến đấu bảo vệ đường Trường Sơn qua A Lưới bắt đầu câu chuyện: Để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1959, từ những lối mòn từ trước được bộ đội ta khai phá để mở ra tuyến đường Trường Sơn. Cũng từ đó hệ thống đường vận tải bí mật này ngày càng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến đấu ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam. Tại A Lưới, được sự đồng ý của bạn Lào, bộ đội ta mở tuyến đường ô tô theo Đường 14 từ La Hạp chạy qua địa bàn huyện A Lưới ngày nay đến tận Ba Lạch, nay là cửa khẩu S10 A Đớt - Tà Vàng. Toàn tuyến ban đầu có 4 trạm, đi từ trạm này đến trạm khác dài khoảng 30 - 50km mất cả ngày đêm.
Cùng với muôn vàn khó khăn khi mở tuyến, do yêu cầu đảm bảo đường vận chuyển ở vị trí địch khó đánh phá, nên tại các địa điểm có phương án vượt núi với một khối lượng đất đá khổng lồ, phải phá bằng lượng thuốc nổ lớn, kế hoạch huấn luyện, đào tạo lực lượng phá nổ, hướng dẫn thi công được triển khai cấp tốc. Tuy nhiên kỹ thuật sử dụng thuốc nổ với hiệu quả công phá vừa đạt yêu cầu, nhưng vừa phải bảo vệ được cây cối ngụy trang cho tuyến đường, giữ được bí mật, đảm bảo an toàn cho tuyến đường và lực lượng đòi hỏi kỹ thuật rất cao.
CCB Bộ đội Trường Sơn Hồ Văn Át (thứ ba trái sang) hồi tưởng cùng đồng đội về những kỳ tích làm nên tuyến đường huyền thoại.
Dưới đất đã vậy, trên trời thì giặc Mỹ huy động nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh hiện đại, sử dụng nhiều thủ đoạn thâm độc thực hiện cuộc chiến tranh ngăn chặn tuyến đường vận chuyển chiến lược của ta. Chúng tập trung lực lượng và phương tiện đánh phá liên tục tất cả các mục tiêu của ta trên tuyến đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn. Chúng sử dụng không quân, kể cả pháo đài bay B.52 lùng sục, tìm đánh các căn cứ, kho tàng, bãi đậu xe, trạm kỹ thuật, sở chỉ huy các đơn vị của ta. Để dễ phát hiện mục tiêu, giặc Mỹ sử dụng cả bom phát quang, rải chất độc hóa học, hủy diệt các thảm cây xanh…
Nhưng cùng với Bộ đội Trường Sơn, quân và dân ta trên chiến trường ở Đường 14, 15 qua A Lưới, bao gồm bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới với tinh thần dũng cảm, thông minh đầy mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Bao thanh niên trai gái, nam thanh, nữ tú là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi A Lưới ngày ấy dũng cảm theo nhau vượt mưa bom, bão đạn gùi hàng, tải lương thực tiếp tế ra tiền tuyến.
Từng là Bộ đội Trường Sơn tham gia mở đường, ông Hồ Văn Át, CCB ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới tự hào khi hồi tưởng về một thời đánh địch thông tuyến ác liệt: Đường chiến lược Trường Sơn huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Tại chiến trường Động So - A Túc ở địa bàn A Lưới, các lực lượng Bộ đội, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân du kích vừa chiến đấu, đánh trả máy bay địch lại vừa phải bảo đảm thông đường, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.
Ông Át chầm chậm nhớ lại, những năm 1961, thời điểm ác liệt nhất, nhiều người con của quê hương A Lưới vừa tham gia gùi hàng, tải đạn tiếp tế vừa đánh địch bảo vệ đường 559. Trong đó, điểm hình nhất có Anh hùng Hồ A Nun, ở xã Hồng Bắc. Nhiều lần gùi trên lưng 80 - 90kg đạn, hàng hóa, Anh hùng Hồ A Nun vượt núi, băng rừng 6 - 7 tiếng đồng hồ mới đến trạm tiếp tế... Đang tải đạn và hàng gặp lúc địch càn quét hòng cắt đường tiếp tế, ông cùng đồng đội lập trận địa tấn công tiêu diệt địch, bảo vệ hàng và tuyến đường chi viện. Địch rút lui, tất cả lại tiếp tục lên đường... Ngày ấy, Quân khu 5 đã tổng kết trong 7 năm Anh hùng Hồ A Nun đã gùi hàng, tải đạn chi viện cho miền Nam với số lượng 197 tấn.
Ký ức những ngày “Mở đường mà tiến” của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn qua A Lưới, nay là CCB Nguyễn Văn Sơn, đơn vị Đại đội 814, Tiểu đoàn 8, Đoàn vận tải 559 mà tôi đã được gặp khi ông từ miền Bắc trở về thăm lại chiến trường xưa, đã cho tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự anh dũng hy sinh của lớp lớp những người đã ngã xuống cho tuyến đường huyền thoại thông đến miền Nam này. Ông Sơn nghèn nghẹn: Đường mở tới đâu, địch đánh tới đó. Số lượng bom mà theo thống kê quân đội Mỹ đã thả xuống chiến trường này cứ mỗi mét vuông là 3 quả. Hàng nghìn người đã ngã xuống để dòng người, dòng xe chảy mãi chi viện cho miền Nam ruột thịt...
Những người lính mở đường Trưởng Sơn năm xưa tự hào ngày gặp lại.
60 năm đã trôi qua, nhưng ký ức đặc biệt về con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại chạy qua địa bàn huyện A Lưới mang tên đường 14 này vẫn in sâu trong tâm trí mỗi người lính Trường Sơn, bộ đội địa phương, TNXP, đồng bào các dân tộc thiểu số A Lưới năm xưa đã từng tham gia mở đường, gùi hàng tải đạn và chiến đấu, phục vụ bộ đội bảo vệ tuyến đường vận tải chiến lược. Thành tích đó góp phần xứng đáng vào chiến công chung làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Được khởi công xây dựng vào tháng 6/1959 và liên tục phát triển trong suốt cuộc kháng chiến, đường Trường Sơn với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Trong 16 năm liên tục, lực lượng vận tải toàn tuyến đã vận chuyển hơn một triệu tấn vũ khí và phương tiện vật chất, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người qua lại.
Bá Trí