Nói về sự ra đời của "Hũ gạo tình thương", Đại tá Lê Văn Nguyên, Phó Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế chia sẻ, thời gian qua, BĐBP Thừa Thiên Huế đã có rất nhiều chương trình giúp đồng bào nghèo nơi biên giới như xây dựng nhà Đại đoàn kết, triển khai các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí… trong đó, thiết thực nhất là mô hình "Hũ gạo tình thương" nhằm đỡ đầu, hỗ trợ cho những mảnh đời éo le vượt qua khó khăn.
Thực hiện mô hình này, trước khi nấu ăn, các chiến sĩ nuôi quân ở các đơn vị bớt một phần gạo trong khẩu phần ăn bộ đội cho vào "Hũ gạo tình thương". Từ số gạo tiết kiệm hàng ngày đã giúp cho những hộ gia đình nghèo, những người già cô đơn, tàn tật ấm lòng, vượt qua những tháng ngày khó khăn, vất vả. Theo quy định, đến những ngày cuối tháng, số gạo tiết kiệm được sẽ được cán bộ, chiến sĩ chuyển đến những địa chỉ mà đơn vị nhận đỡ đầu.
Chúng tôi về Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiện Huế, đơn vị đi đầu trong việc xây dựng mô hình "Hũ gạo tình thương" để giúp gia đình giáo dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Qua trao đổi, Thượng tá Lê Thanh Nga, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết: "Học tập đức tính tiết kiệm của Bác Hồ và nhằm giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện nếp sống cần kiệm, chia sẻ khó khăn với đồng bào nghèo, năm 2010, cấp ủy, chỉ huy Hải đội đã trao đổi, thống nhất đưa ra tập thể quân nhân cùng thảo luận và được cán bộ, chiến sĩ đồng tình ủng hộ xây dựng mô hình "Hũ gạo tình thương" để giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa trên địa bàn đóng quân. Bằng hình thức này, mỗi tháng đơn vị tiết kiệm được từ 25 đến 30kg gạo, để chuyển đến giúp bà Nguyễn Thị Diệp (70 tuổi, ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), người được đơn vị nhận phụng dưỡng vì có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa".
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, bà Nguyễn Thị Diệp chia sẻ: "Từ ngày được cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 nhận phụng dưỡng, mỗi khi tôi ốm đau đều được quân y đơn vị đến thăm khám, cấp thuốc miễn phí. Hàng tháng còn được hỗ trợ gạo, nên cuộc sống của tôi không còn khó khăn, đơn độc như ngày xưa nữa".
Còn chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Văn Huế tâm sự: "Mỗi lần cho gạo vào "Hũ gạo tình thương", tôi cảm thấy rất vui vì mình đã tiết kiệm được từ khẩu phần ăn hàng ngày để giúp đỡ các gia đình nghèo, nhất là người già neo đơn như bà Diệp. Mỗi ngày tiết kiệm một ít, nhưng "tích tiểu thành đại", cuối tháng sẽ được số lượng kha khá giúp bà con nghèo nơi biên giới".
Chiến sĩ "nuôi quân" của Hải đội 2 góp gạo vào "Hũ gạo tình thương".
Được biết, từ khi triển khai mô hình "Hũ gạo tình thương" đến nay, mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế tiết kiệm được hơn 3,5 tấn gạo, giúp hơn 150 hộ nghèo trên địa bàn đóng quân, giảm bớt khó khăn. Đại tá Lê Văn Nguyên chia sẻ thêm: "Việc thành lập "Hũ gạo tình thương" ngoài giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục cán bộ, chiến sĩ ý thức cần kiệm, biết quan tâm, chia sẻ vì cộng đồng, góp phần giúp một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đóng quân. Với ý nghĩa đó, mô hình "Hũ gạo tình thương" đã mang lại hiệu quả thiết thực, được chính quyền địa phương đánh giá cao".
Biên phòng