422
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 21/09/2018 11:08
Hợp tác văn hóa - Bảo tồn di sản: Điểm nhấn trong quan hệ Thừa Thiên Huế - Nhật Bản
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vốn có từ lâu đời, khi những Châu Ấn thuyền (Shuinsen) thời Mạc phủ Đức Xuyên đến giao thương buôn bán ở Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Cũng từ đó, văn hóa Nhật Bản, kể cả phong tục tập quán, kiến trúc, nghệ thuật đã trở nên không còn xa lạ với người Việt Nam.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được Thừa Thiên Huế không ngừng đẩy mạnh, tăng cường hợp tác ngày càng phát triển đa dạng và có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Một trong những điểm nhấn quan trọng của mối quan hệ này là hợp tác văn hóa - bảo tồn di sản. Thông qua các đoàn trao đổi cấp cao cũng như các đoàn giao lưu, hợp tác của các sở, ban, ngành, các tổ chức, nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa vật thể, phi vật thể Huế đã được triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật của Nhật Bản đã đến tham gia biểu diễn tại các kỳ Festival Huế. Festival nghề truyền thống Huế được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 và được mở rộng quy mô vào các năm sau, đã huy động được sự tham gia của các đối tác đến từ Nhật Bản với các chương trình giới thiệu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực Nhật Bản của thành phố Saijo; giao lưu âm nhạc với đoàn Okinawa; đoàn Hợp xướng Nara; đoàn nghệ thuật lân sư tử Yaese Okinawa; chuỗi sự kiện của Hội Asaba Việt Nam, gồm Lễ dựng bia tưởng niệm cụ Phan Bội Châu, triển lãm ảnh, chương trình chiếu phim và chương trình tọa đàm “Mối quan hệ thắm thiết Việt Nam - Nhật Bản”; Ngày hội Việt Nam Day, không gian ẩm thực của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, sự kiện “Ngày hội văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản”, chương trình biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế tại Nhật Bản... 

Đoàn múa truyền thống Takamine Hisae (Nhật Bản) tại Festival Huế 2016

Các chương trình homestay cho thành viên đoàn Hippo Family; giao lưu của Liên đoàn lao động vùng Kinki với các em học sinh, sinh viên học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh; Hội giảng dạy Ngôn ngữ tại Nhật Bản phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) tổ chức tập huấn “From theory to implementation: Bringing new ideas into your classroom”; chương trình tham quan kiến tập của đoàn học sinh và giáo viên Trường THPT Shogaku Okinawa tại Trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế); chương trình giao lưu ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản và biểu diễn võ thuật karate tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương Huế; giao lưu tại Trung tâm Huewacent với các em học sinh, sinh viên đang theo học tiếng Nhật trên địa bàn thành phố; Ban đại diện Câu lạc bộ Bóng bầu dục giật cờ Shinjo của Nhật Bản đến làm việc để phổ biến môn bóng bầu dục giật cờ cho các học sinh tiểu học...; Dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua du lịch di sản” tại Làng cổ Phước Tích, mô hình Du lịch Cộng đồng tại Cầu ngói Thanh Toàn và nhiều dự án phát triển du lịch khác, trong đó chú trọng phát triển lĩnh vực du lịch cộng đồng và du lịch bền vững tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tổ chức JICA; những hoạt động tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh, quay phim, ghi hình nhằm giới thiệu văn hóa Huế, các danh lam thắng cảnh; ghi hình cảnh sinh hoạt thường ngày của người dân địa phương; đưa tin về chương trình “Trại hè Thanh niên Việt kiều” của các hãng thông tấn Nhật Bản, như: Đoàn truyền hình Hokkaido, đoàn truyền hình TBS, phóng viên thuộc hàng NHK; đặc biệt là 26 hãng phóng viên của Nhật Bản với 129 lượt người thường trú tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á đến dự và đưa tin các hoạt động nhân dịp Nhật hoàng và Hoàng hậu đến Thừa Thiên Huế trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam... là những hoạt động phong phú và đa dạng, giúp sự giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Thừa Thiên Huế và Nhật Bản càng thêm sâu sắc. Thông qua các hoạt động này, đã tạo điều kiện để các tổ chức của Nhật Bản có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống của người dân Huế; đồng thời, giúp các gia đình ở Huế, các bạn học sinh, sinh viên đang học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Nhật Bản thông qua các trò chơi truyền thống Nhật Bản, cách gấp giấy Origami, viết thư pháp, trà đạo...; tăng cường cơ hội sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật đang học giao tiếp với người Nhật. Qua đó, góp phần tăng cường sự giao lưu hiểu biết, trao đổi văn hóa giữa hai dân tộc, cũng như nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại giữa Thừa Thiên Huế với Nhật Bản.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tham quan Đại nội Huế (2017)

Trên lĩnh vực bảo tồn di sản, Nhật Bản bắt đầu tài trợ cho công tác trùng tu, bảo tồn Di sản Huế kể từ năm 1990, thông qua các tổ chức, như: Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO, Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto... Các lĩnh vực hoạt động hợp tác và nghiên cứu giữa Nhật Bản và Huế đã diễn ra khá đa dạng, bao gồm cả về nghiên cứu sưu tầm, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo nghiệp vụ kỹ năng chuyên môn, trùng tu bảo tồn di tích và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Tổng kinh phí tài trợ từ phía Nhật Bản, theo thống kê, khoảng hơn 4,6 triệu USD.

 

Chuyên gia Nhật Bản tại dự án phục hồi Ngọ Môn do Nhật Bản tài trợ thông qua UNESCO (1994)

Ngay từ đầu thập niên 1990, thông qua Quỹ ủy thác của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ 100 ngàn USD trùng tu công trình Ngọ Môn. Đây là dự án quy mô đầu tiên mà Nhật Bản tài trợ cho Thừa Thiên Huế. Sự thành công của dự án đã được nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Thừa Thiên Huế nói riêng và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Năm 1994, Xưởng Nghiên cứu kiến trúc Châu Á - Đại học Waseda (viết tắt là Waral-Waseda, từ năm 2001 đổi tên thành Viện Nghiên cứu di sản Thế giới UNESCO - Đại học Waseda, gọi tắt là Heritage Waseda) hợp tác nghiên cứu về kiến trúc truyền thống Huế, với mục tiêu để bảo tồn và trùng tu các di tích thuộc triều Nguyễn, mà trọng tâm là nghiên cứu để tái thiết di tích điện Cần Chánh - một công trình quan trọng bậc nhất của kiến trúc Cung đình Huế nhưng đã bị chiến tranh thiêu hủy từ năm 1947. Tiếp đó, rất nhiều các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã được mở ra khá toàn diện trong lĩnh vực trùng tu bảo tồn di sản, đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, như: nghiên cứu bảo tồn di tích Huế; di tích Hữu Tùng Tự - lăng Minh Mạng, điện Long Đức, điện Chiêu Kính thuộc khu vực Thái Miếu (Đại Nội Huế); thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn Nhã nhạc; lập Hồ sơ quốc gia ứng cử Nhã nhạc là Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của nhân loại… Bên cạnh đó, nhiều cán bộ chuyên gia của tỉnh đã được gửi đi đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại Nhật Bản với trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn có thể thực hành tốt tại di tích Huế. Cùng với đó, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến nhất vào công cuộc phục hồi, trùng tu, bảo vệ những công trình kiến trúc hư hỏng nặng thông qua chương trình tài trợ thiết bị hỗ trợ nghiên cứu - trùng tu di tích.

 

Tiếp nhận bia tưởng niệm Phan Bội Châu từ Hiệp hội Asaba (Nhật Bản)

Hiện nay, tỉnh đang phối hợp cùng Đại học Waseda thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu về tái tạo cảnh quan văn hóa và môi trường sinh thái lịch sử tại lưu vực sông Hương, giai đoạn 2016 - 2018; phối hợp với Hội Kiến trúc sư toàn Nhật Bản tổ chức hội thảo chuyên đề về bảo tồn kiến trúc gỗ truyền thống; phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Phi vật thể Quốc tế tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (IRCI) để nghiên cứu và tăng cường các giải pháp cụ thể, giúp bảo tồn bền vững di sản văn hóa phi vật thể ứng phó với các thiên tai, thảm họa. Thành quả của mối quan hệ này đã và đang góp phần đáng kể cho công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu để chuyên môn hóa công tác bảo tồn và thực thi nhiều dự án trùng tu tái thiết di sản.

Trên cơ sở những nét tương đồng về văn hóa, bằng những hành động thiết thực, hy vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, tương xứng với tầm vóc cần có của mối quan hệ đối tác chiến lược cũng như truyền thống tốt đẹp vốn có của quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hồng Hà