Các ban, ngành vào cuộc
Đang chăm chú kiểm đếm hàng hóa tại cơ sở kinh doanh của mình, chị Hồ Thị Thương, ở thôn Par Ay, xã Hồng Thủy gặp khách dưới xuôi liền khoe về cơ ngơi nhà cửa rộng rãi, khang trang, các vật dụng, tiện nghi trong gia đình chị toàn những thứ đáng giá. Trong nhà có cả tủ lạnh Toshiba đời mới, xe tay ga, điện thoại smartphone... Chị Thương chia sẻ: “Trước đây khó khăn đủ bề, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, vợ chồng em được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ con giống và tập huấn quy trình chăn nuôi nên từng bước xây dựng kinh tế gia đình như hôm nay”.
Năm 2015, gia đình chị Thương lúc đó là hộ nghèo, được các cấp, ngành, tổ chức Hội của xã bình xét tín chấp cho vay vốn ưu đãi thông qua kênh Hội Phụ nữ với số vốn 20 triệu đồng, chị dồn hết vốn liếng đầu tư vào chăn nuôi bò, dê để tìm hướng thoát nghèo. Được tổ chức Hội địa phương quan tâm phối hợp với cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, mô hình chăn nuôi của chị phát triển thuận lợi. Sau 2 năm gầy dựng, qua năm thứ 3, cứ mỗi năm chị lại bán 3 con bò thu về hơn 50 triệu đồng. Số tiền tích lũy được, chị tiếp tục tái đầu tư nhân số lượng đàn bò lên. Khi đã có vốn, chị được Hội Phụ nữ xã tiếp tục tư vấn, hướng dẫn về phát triển kinh doanh nên chị mạnh dạn mở thêm cửa hàng buôn bán đủ thứ nhu yếu phẩm cho bà con trong thôn... “Mỗi năm, tổng nguồn thu của gia đình em trên 200 triệu đồng, trừ chi phí cho lãi ròng gần 100 triệu đồng”, chị Thương phấn khởi nói.
Đến thăm mô hình chăn nuôi dê và trồng rừng của anh Hồ Văn Do, ở thôn 4, xã Hồng Thủy cũng ấn tượng không kém. Năm 2016, gia đình anh là một trong những hộ nghèo trong thôn, được Hội Nông dân xã bình xét cho vay vốn ưu đãi theo chương trình hộ nghèo và được tập huấn quy trình chăn nuôi dê, quy trình trồng và chăm sóc cây tràm. Chí chú làm ăn, đến nay gia đình anh thu từ chăn nuôi và trồng rừng sau khi đã trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 30 - 35 triệu đồng mỗi năm. Không những thoát nghèo, anh còn có nguồn vốn để đầu tư mở rộng thêm chuồng trại phát triển quy mô chăn nuôi.
Chị Hồ Thị Thương, ở thôn Pa Ay, xã Hồng Thủy nay đã có cuộc sống sung túc.
Đồng hành cùng hộ nghèo
Để đồng hành cùng các hộ nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức Hội Phụ nữ, Nông dân xã Hồng Thủy phối hợp vận động tổ chức nhiều hoạt động, phong trào nhằm giúp bà con phát triển các mô hình giảm nghèo bền vững. Việc hỗ trợ hộ nghèo được lồng ghép thông qua các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đảng ủy xã cũng đã định hướng việc khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Bùi Viết Dũng, chia sẻ, hằng năm cấp ủy, mặt trận các thôn tổ chức vận động xây dựng các mô hình kinh tế điểm về giảm nghèo để bà con học tập, nhân rộng. Các cấp Hội cũng tích cực tín chấp cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập. Hiện tại, địa phương đã có các mô hình kinh tế cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập cao tập trung vào các hộ trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh buôn bán...
Cũng theo ông Bùi Viết Dũng, từ các nguyên nhân nghèo đa chiều, xã tập trung vào các nhóm giải pháp về nước sạch, nhà ở, nhà vệ sinh để có kế hoạch đầu tư xây dựng và hỗ trợ cho các hộ nghèo; đồng thời, phối hợp với các ngành nông nghiệp, khuyến công tăng cường hỗ trợ cây con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người nghèo là giải pháp mang tính căn cơ, bởi thực tế đa số các hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập đều do thiếu đất sản xuất và thiếu việc làm.
Ngoài ra, vai trò của nhóm hộ gia đình giúp nhau thoát nghèo trong tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ… cũng được cấp ủy, chính quyền xã Hồng Thủy quan tâm và xem đó là một trong những giải pháp hiệu quả. Nó vừa thuận lợi trong vay vốn, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau làm ăn và tiến tới có sản phẩm chất lượng, đồng nhất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Năm 2016, xã Hồng Thủy có 281 hộ nghèo, chiếm 37,57%. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, đến nay địa phương đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 27%.
Bá Trí