447
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 11/11/2014 08:24
Hơn 279 tỷ đồng phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020 Thừa Thiên Huế sẽ có 22 tuyến xe buýt đô thị, tuyến xe buýt nội tỉnh, gồm: Bến xe phía Nam - Bến xe phía Bắc; Khu A (Ký túc xá Trường Bia) - Ký túc xá Đội Cung; Bến xe phía Nam - khu công nghiệp Phú Bài; Bến xe phía Nam - Thuận An; Bến xe phía Nam - Phong Điền; Bến xe phía Nam - Thị trấn Sịa; Điền Hương - Bến xe Đông Ba; Vinh Hưng - Bến xe Đông Ba; Bến xe Đông Ba - Chợ Cầu Hai; Bến xe phía Nam - Vinh Hiền; Bến xe Đông Ba - Cảnh Dương; Bến xe phía Bắc - Bến xe phía Nam; Bến xe Đông Ba - Linh Mụ; Bến xe phía Bắc - Bến xe phía Nam (đường vành đai Tây Nam); Bến xe phía Bắc- Bến xe phía Nam (đường vành đai Đông Bắc); Bến xe Đông Ba - Phong Mỹ; Thị trấn Phong Điền - Thị trấn Sịa; Bến xe phía Nam - Thị trấn Lăng Cô; Bến xe Đông Ba - Vinh Hà; Vinh Hiền - Khu Công nghiệp Phú Bài; Bến xe phía Nam - Bến xe A Lưới và Bến xe Đông Ba - Chợ Hương Giang (huyện Nam Đông).

Phấn đấu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đáp ứng khoảng 7- 8% nhu cầu đi lại của dân cư đô thị tỉnh TT.Huế. Đến năm 2030, đáp ứng khoảng 14 - 15% nhu cầu đi lại của dân cư đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó Quy hoạch còn phát triển mạng lưới hành khách công cộng bằng xe điện mặt đất nhằm phục vụ khách du lịch tham quan các điểm di tích, danh thắng, các điểm du lịch cộng đồng, các tuyến phố thương mại, ẩm thực...

Tổng mức đầu tư của quy hoạch dự kiến khoảng 279,859 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 2014-2015 là 86,155 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 193,704 tỷ đồng. Trong đó, vốn xã hội hóa giai đoạn 2014 - 2020 khoảng 169,785 tỷ đồng; Vốn đầu tư của Ngân sách tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 khoảng 110,074 tỷ đồng.

 

Song Trần