Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra, từ đó khoa học phải quay lại phục vụ đời sống”, trong thời gian qua, ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những phát triển vượt bậc, xứng tầm là 1 trong 5 trung tâm KH&CN lớn trên toàn quốc. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị được trao các giải thưởng trong nước và quốc tế như Giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 với công trình khoa học “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ và nâng cao chất lượng dân số”; Giải thưởng Kovalevskaia 2017 cho nhà khoa học nữ là PGS.TS Đinh Thị Bích Lân của Viện Công nghệ sinh học thuộc Đại học Huế; Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học đã trao giải thưởng Nhà khoa hoc nữ xuất sắc năm 2017 cho PGS.TS Nguyễn Thị Hoài - Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; Huy chương Bạc tại Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ 2017 ở Nhật Bản: Được trao cho nhóm học sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế với đề tài “Thiết bị định vị bầu trời và tích hợp tri thức phục vụ nghiên cứu thiên văn học”; Bốn công trình khoa học được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2017.
Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 năm nay với chủ đề “khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” nhằm để tôn vinh các nhà khoa học, là một dịp giới khoa học trưng bày, trình diễn những thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của mình với công chúng. Mục tiêu của ngày KH&CN Việt Nam còn nhằm để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN, là để khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của công chúng, nhất là đam mê nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để các cấp, các ngành cùng với đội ngũ cán bộ khoa học thể hiện quyết tâm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới”.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Nam - TUV, Giám đốc Sở KH&CN tin tưởng và hy vọng rằng hoạt động KH&CN, nhất là trong các lĩnh vực có thế mạnh như khoa học xã hội và nhân văn, y dược, nông lâm nghiệp, sinh học… sẽ ngày càng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống và xã hội, nhằm góp phần đạt được mục tiêu lớn là đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước trong một tương lai không xa”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã mang đến nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn như: Vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế; Một số kết quả nổi bật trong việc triển khai Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Đóng góp của khoa học công nghệ đối với sự phát triển nông nghiệp.
Dịp này, có 19 nhà khoa học được trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học công nghệ”.
Tinhuytthue.vn