PGS.TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Lần đầu tiên, một hội thảo khoa học quy mô quốc gia về biến cố thất thủ Kinh đô và phong trào Cần Vương (1885 - 1896) được tổ chức. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn không chỉ với Thừa Thiên Huế mà còn với nhiều địa phương trên cả nước với sự tham gia của 30 tác giả và 23 bài nghiên cứu được in trong kỷ yếu. Đây là những công trình được các tác giả đã công phu sưu tầm tài liệu để có những đóng góp mới không ngững nâng cao nhận thức về vấn đề được nhiều người quan tâm mà còn tìm tòi, phát hiện các di tích, di vật có liên quan để định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thời Cần Vương.
04 nhóm chủ đề được trình bày tại hội thảo gồm: Thất thủ kinh đô; Phong trào Cần Vương; Một số nhân vật tham gia trong biến cố Kinh đôHuế và phong trào Cần Vương; Di sản và vấn đề bảo tồn. Tại Hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về một số vấn đề liên quan như: mục tiêu Pháp đánh chiếm Kinh đô Huế và hậu quả của nó; Vai trò của vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và các nhân vật khác trong biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương; Nguyên nhân thất bại của cuộc tập kích quân Pháp tại kinh thành Huế và phong trào Cần Vương; Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích, di vật liên quan đến biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh có liên quan…
Đối với thất thủ Kinh đô, các tác giả đều thống nhất cuộc đấu tranh chống Pháp ở Kinh đô Huế là cuộc đấu tranh chính nghĩa, nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên đã thất bại, để lại hậu quả hết sức đau đớn cho nhà Nguyễn và người dân Huế.
Còn về phong trào Cần Vương, GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân bùng nổ, lan tỏa ba miền đất nước và duy trì lâu nhất tại Bắc kỳ là nhờ vai trò lãnh đạo của Tôn Thất Thuyết - làm rõ vấn đề mà lâu nay nhiều người lầm tưởng là Tôn Thất Thuyết đã kết thúc vai trò lãnh đạo Cần Vương kể từ năm 1886. Xác minh di tích, di vật để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Biến cố Kinh đô Huế và phong trào Cần Vương là vấn đề được nhiều tác giả đề cập. Các tác giả cho rằng những di tích, di vật thời Cần Vương đều có mặt khắp nơi. Để lưu giữ những ký ức một thời bi hùng của đất nước, TS Trần Đình Hằng – Phân Viện Văn hóa nghệ thuật tại Huế đề nghị nên xây dựng Đài tưởng niệm mang tính đặc trưng lịch sử giai đoạn này.
Song Trần