Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Chủ tịch Hội đồng CIO Quốc gia và ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng CIO khu vực MT-TN chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đại diện các Cục, vụ, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT; Giám đốc các Sở TT&TT và Lãnh đạo CIO khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Theo báo cáo tổng hợp của Hội đồng Giám đốc CNTT khu vực MT-TN, sau phiên họp năm 2018 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai, các địa phương trong vùng đã quan tâm và triển khai, thực hiện mạnh mẽ ứng dụng CNTT vào xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT). Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị công, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến 2025. Đây có thể coi là năm đột phá với nhiều thành tựu nổi bật đặt biệt của các địa phương trong vùng như Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Gia Lai và Thừa Thiên Huế…
Tuy nhiên, nhiều nội dung triển khai xây dựng CQĐT chưa được như mong đợi, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt, trong quá trình triển khai còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng CQĐT và vướng mắc trong cơ chế đầu tư cũng như thuê dịch vụ CNTT dẫn đến tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp… Bên cạnh đó, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT nền tảng phục vụ phát triển CQĐT còn chậm, chưa kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; việc xây dựng Đô thị thông minh được nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình nhưng quan điểm, nền tảng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được thống nhất.
Quang cảnh phiên họp.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm vừa qua việc triển khai ứng dụng CNTT của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trước hết, tỉnh đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng CQĐT là khâu đột phá, là thước đó năng lực điều hành, lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với phương châm là "Người đứng đầu không chỉ là chủ thể giám sát, kiểm tra mà phải thật sự là đối tượng thực hiện tin học hóa". Thứ hai là, Tỉnh xác định cần phải "Đi tắt đón đầu" trong chọn giải pháp, mô hình để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có điều kiện trong triển khai ứng dụng CNTT khi điều kiện chưa có những giải pháp chung của quốc gia cũng như điều kiện tài chính của tỉnh còn khó khăn, hạn hẹp.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, từ quan điểm trên, bước đầu, Tỉnh đã hình thành và nâng cao nhận thức tin học hóa gắn liền với cải cách hành chính và chuẩn hóa các quy trình giải quyết công việc theo phương châm: “Làm việc theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình, điều hành theo quy chế” cho đội ngũ cán bộ, công chức - đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính. Việc triển khai ứng dụng CNTT được thực hiện theo phương châm: "Từ đơn giản đến phức tạp, từ điểm đến diện, từ vận động khuyến khích đến yêu cầu bắt buộc và trở thành nhu cầu không thể thiếu của cán bộ, công chức".
Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai nội dung tại cuộc họp Hội đồng Giám đốc CNTT khu vực MT-TN năm 2018 và kết quả xử lý của Bộ TT&TT đối với những kiến nghị của Hội đồng, tại phiên họp, Hội đồng CIO miền MT-TN đã thảo luận và thống nhất một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là, tập trung xây dựng áp dụng thành công khung kiến trúc CQĐT; hình thành cơ bản các hệ thống hạ tầng thiết yếu cho hoạt động CQĐT như Trung tâm tích hợp dữ liệu, các phần mềm dùng chung, các hệ thống thông tin cơ bản phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước, từng bước triển khai dịch vụ Đô thị thông minh.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về phát triển dịch vụ Đô thị thông minh, phát triển Cổng dịch vụ công và bưu chính công ích, công tác đảm bảo An toàn thông tin và việc triển khai chữ ký số.
Dịp này, Bộ TT&TT cũng trao Kỷ niệm chương cho ông Lê Sĩ Minh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Phạm Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của Hội đồng Giám đốc CNTT khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong những năm qua (ảnh dưới).
Phạm Hà