309
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 10/10/2022 15:30
Hiệu quả từ chương trình “Ngân hàng bò” trên địa bàn huyện A Lưới
“Ngân hàng bò” thực sự là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự sẻ chia, chung tay của cả cộng đồng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Tháng 11/2014, A Lưới tiếp nhận và triển khai Dự án “Ngân hàng bò” do Tập đoàn Philip Morris (Hoa Kỳ) tài trợ  thông qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Sau khi khảo sát, A Lưới tiến hành chọn các đối tượng hưởng lợi ở 10 xã gồm: A Đớt (nay xã Lâm Đớt), Hồng Thái, Nhâm (nay xã Quảng Nhâm), Hồng Bắc, Hồng Trung (nay xã Trung Sơn), Hồng Vân, Hồng Thủy, A Roàng, Đông Sơn và Hương Nguyên để triển khai Dự án. Mỗi xã chọn 10 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên cơ sở có lao động trong nhà. Tổng kinh phí thực hiện Dự án hơn 1,5 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hơn 1,2 tỷ đồng, nguồn đối ứng của huyện A Lưới 190 triệu đồng, nguồn đối ứng của người dân 180 triệu đồng.

Sau gần 8 năm thực hiện Dự án, nhận thức của người dân trong việc chăm sóc, phát triển “Ngân hàng bò” được nâng lên đáng kể, đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vì vậy số lượng đàn bò tại 10 xã đã tăng từ 100 con lên 196 con, số bò sinh sản 96 con bê; trong đó, một số hộ chăm sóc, chăn nuôi tốt như: anh Nguyễn Văn Anh, thôn Giồng, xã Hương Nguyên từ 01 con bò mẹ đã sinh sản ra 6 con bê; anh A Viết Duy, thôn A Ka, xã A Roàng từ 01 con bò mẹ đã sinh sản ra 4 con bê; chị Kăn Hai, thôn Rơ Môm, xã Đông Sơn từ 01 con bò mẹ đã sinh sản ra 3 con bê; chị Hồ Thị Nga, thôn A Niêng, Lê Triêng 1, xã Hồng Trung khi nhận bò về chăm sóc, chăn nuôi tốt, từ năm 2017 sinh sản lứa đầu tiên, gia đình đã quay vòng con bê cho hộ khác, đến nay bò mẹ đã sinh sản thêm 2 con bê, hiện nay trong gia đình có 3 con bò.

Tuy nhiên, từ năm 2019 - 2021 có 39 con bò bị chết do mưa rét kéo dài, công tác chuồng trại không đảm bảo, thiếu thức ăn, không kịp thời tiêm phòng dịch bệnh, bệnh lỡ mồm long móng, tụ huyết trùng,… Ngoài ra, một số hộ hưởng lợi vì hoàn cảnh khó khăn nên đã bán 27 con bò để trang trải cuộc sống. Hiện nay, tổng đàn bò đang duy trì tại 10 xã là 130 con.

Ông Pơ Loong Phương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện A lưới cho biết, trong thời gian tới, để triển khai Dự án tốt hơn, huyện A Lưới đã đề ra ba nhóm giải pháp, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc trong việc thực hiện Dự án “Ngân hàng bò” trên địa bàn các xã nhằm tạo điều kiện giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác nắm tình hình chăn nuôi bò của các hộ hưởng lợi để giải quyết kịp thời những khó khăn, hạn chế trong quá trình chăn nuôi, đồng thời định kỳ báo cáo tình hình thực hiện dự án với lãnh đạo cấp trên. Triển khai mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, các kỹ năng về kỹ thuật chăn nuôi bò và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn bò trên địa bàn huyện.

Từ những kết quả đạt được cho thấy, “Ngân hàng bò” thực sự là một chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự sẻ chia, chung tay của cả cộng đồng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Đồng thời, tạo động lực cho các hộ hưởng lợi mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống của người dân nghèo.

Đắc Phương