Đại tá Nguyễn Văn Hiền.PV: Đề nghị đồng chí cho biết, xuất phát từ đâu mà BĐBP Thừa Thiên Huế phát động chương trình tặng nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo trên địa bàn biên phòng?
Đại tá Nguyễn Văn Hiền: Xây dựng nhà tình thương cho đồng bào nghèo lâu nay là việc làm thường xuyên của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cũng như đối với BĐBP. Với BĐBP Thừa Thiên Huế, việc phát động chương trình tặng nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo trên địa bàn biên phòng không chỉ xuất phát từ tình thương của cán bộ, chiến sỹ đối với nhân dân, mà còn là cách thể hiện trách nhiệm của những người lính đối với đồng bào nghèo trên địa bàn đứng chân.
Hiện nay, trên địa bàn biên phòng do BĐBP Thừa Thiên Huế phụ trách, quản lý, còn khá nhiều hộ gia đình giáo dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang phải sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ, đã bị xuống cấp, dễ bị hư hỏng, thậm chí sụp đổ trong mùa mưa bão. Sau khi tiến hành nghiên cứu, khảo sát, năm 2012, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã phát động chương trình tặng nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo, theo đó, vận động mỗi cán bộ, chiến sỹ trong các đơn vị tự nguyện tiết kiệm trong chi tiêu sinh hoạt, đồng thời kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ, hỗ trợ các gia đình giáo dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây mới nhà ở.
Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm cụ thể hóa chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, đồng thời thiết thực hướng tới dịp kỷ niệm, chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân, 50 năm Ngày thành lập lực lượng BĐBP Thừa Thiên Huế (15/12/1964 - 15/12/2014).
PV: Đồng chí có thể cho biết những hoàn cảnh cụ thể của một số gia đình giáo dân nghèo được tặng nhà cũng như cách thức thực hiện cùng "điểm nhấn" mà chương trình đã đạt được?
Đại tá Nguyễn Văn Hiền: Lần đầu triển khai chương trình, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà tình thương cho gia đình bà Nguyễn Thị Thoàn, giáo dân nghèo ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang. Ngay sau khi kế hoạch được phê duyệt, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế giao nhiệm vụ cho Đồn BP Vinh Xuân trực tiếp xây dựng và vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đóng góp thêm để hoàn tất ngôi nhà trị giá gần 100 triệu đồng.
Năm 2013, chúng tôi tiếp tục vận động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đóng góp được 30 triệu đồng hỗ trợ xây nhà tình thương cho bà Phạm Thị Duyên, ở cụm 5, giáo xứ Hà Úc, xã Vinh An, huyện Phú Vang. Quá trình xây nhà, Bộ Chỉ huy chỉ đạo Đồn BP Vinh Xuân cử cán bộ, chiến sỹ cùng với Đoàn Thanh niên địa phương, bà con trên địa bàn góp công giúp xây dựng... Gia cảnh bà Phạm Thị Duyên rất khó khăn, chồng mất sớm, bà sinh được 5 người con thì có 2 người con bị tật nguyền, đời sống gia đình không có thu nhập gì ngoài trợ cấp bệnh tật của các con hàng tháng. Sau khi ngôi nhà hoàn thành, mẹ con bà Duyên được vào ở ngôi nhà mới, anh Nguyễn Cường, con trai bà Duyên đã viết thư cảm ơn gửi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Tư lệnh BĐBP...
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, từ khi chương trình tặng nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo được triển khai thực hiện, dư luận nhân dân các xã biên giới rất phấn khởi, chính quyền địa phương đánh giá cao ý nghĩa của chương trình. Đầu năm 2014, chúng tôi báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xin chủ trương tiếp tục thực hiện chương trình, đồng thời tranh thủ ý kiến của Tòa Tổng Giám mục Huế và đã nhận được ý kiến đồng tình ủng hộ. Nhờ có những thuận lợi đó, chúng tôi tiếp tục triển khai vận động và được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Huế tài trợ 90 triệu đồng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ 210 triệu đồng. Với tổng số tiền vận động 500 triệu đồng, chúng tôi đã phân bổ kinh phí cho các đơn vị để triển khai xây 10 nhà tình thương cho 10 hộ giáo dân nghèo trên địa bàn biên phòng.
PV: Đề nghị đồng chí cho biết, để đạt được hiệu quả cao nhất trong quá trình xây nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo, việc sử dụng nguồn kinh phí của chương trình được Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế thực hiện như thế nào?
Đại tá Nguyễn Văn Hiền: Đối với kinh phí vận động được từ các nguồn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chuyển cho các đồn Biên phòng trên địa bàn, yêu cầu giao tận tay cho các gia đình để họ tự mua vật liệu xây dựng nhà, tất nhiên là có sự giám sát, tư vấn của đơn vị BĐBP.
Trong quá trình bàn giao kinh phí, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị phải phối hợp với MTTQ Việt Nam các xã địa bàn giám sát, kiểm tra, đôn đốc gia đình sử dụng kinh phí đúng mục đích, lấy hiệu quả xây nhà làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình, không gây thất thoát, lãng phí. Một vấn đề quan trọng khác là chúng tôi yêu cầu các đơn vị phải tận dụng ngày công của bộ đội, vừa là để giảm giá thành cho công trình, vừa giúp ngôi nhà thêm khang trang, vững chắc...
PV: Được biết, so với các chương trình, cuộc vận động của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc tặng nhà cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo, chương trình tặng nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo của BĐBP Thừa Thiên Huế có nhiều nội dung mới. Theo đồng chí, những "cái mới" ở đây là gì?
Đại tá Nguyễn Văn Hiền: Theo chúng tôi, cái mới trong chương trình tặng nhà tình thương cho đồng bào giáo dân nghèo trên địa bàn biên phòng do BĐBP Thừa Thiên Huế thực hiện là đi kèm với những ngôi nhà được xây mới là sự giúp đỡ cả về trước mắt cũng như lâu dài, chẳng hạn như Chương trình "Hũ gạo tình thương". Để thực hiện việc này, mỗi tháng, cán bộ, chiến sỹ các đồn Biên phòng tiết kiệm một phần gạo trong sinh hoạt nhằm hỗ trợ các gia đình giáo dân khó khăn từ 20-30kg gạo để họ có cuộc sống no ấm hơn. Phong trào này được duy trì liên tục từ khi phát động chương trình cho đến nay. Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tìm hiểu, tạo ra sinh kế bền vững cho các hộ giáo dân nghèo được tặng nhà...
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Biên phòng