Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Hương Thủy có hơn 130 di tích, địa điểm, công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật; trong đó có 13 di tích đã được công nhận là di tích cấp tỉnh và quốc gia. Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý di tích, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng VHTT phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, thị xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực để trùng tu, tu bổ 13 di tích được xếp hạng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa chiếm gần 30%. Cùng với đó, tiến hành lập quy hoạch, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ; thành lập và xây dựng quy chế hoạt động các Ban quản lý di tích. Nhờ đó, các di tích sau khi được trùng tu, tu bổ đã phát huy giá trị, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, mà nổi bật trong số đó là di tích Cầu ngói Thanh Toàn ở xã Thủy Thanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý về di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, như: Quy trình, thủ tục thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của Nhà nước còn chồng chéo; đội ngũ Ban quản lý di tích tại các địa phương chưa đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn; một số tư liệu bị hư hỏng chưa được phục chế…
Thay mặt Đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Ái Vân ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà thị xã Hương Thủy đã đạt được trong công tác bảo vệ, trùng tu và quản lý di tích. Để phát huy hơn nữa giá trị các di tích, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ các di tích; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch các địa phương có điểm di tích; phát huy nguồn xã hội hóa trong trùng tu, bảo tồn các di tích…
Thanh Đoàn