246
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 23/03/2019 19:54
Gặp mặt 523 hộ dân Thượng thành thuộc diện giải tỏa
Sáng 22/3, UBND thành phố Huế đã tổ chức gặp gỡ 523 hộ dân khu vực Thượng thành thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế. Đến dự hội nghị có đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Huỳnh Cư, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Thành, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: Dự án giải tỏa các hộ dân ở khu vực Kinh thành Huế là một dự án có từ lâu, nhưng do quy mô lớn, đòi hỏi nguồn kinh phí giải tỏa lớn, lại chưa có cơ chế chính sách nên nhiều năm không thể triển khai. Nay, được sự quan tâm ủng hộ của Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách đền bù với quy định hỗ trợ rất cởi mở, thông thoáng, thuận lợi rất nhiều cho nhiều hộ dân vốn không có đủ cơ sở pháp lý do sống trong khu vực di tích. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành, quan điểm chung nhất quán của Thành phố đó là công tác di dời nhanh, đúng kế hoạch đề ra nhưng phải bảo đảm công bằng, khách quan, đúng quy định. Thành phố sẽ huy động toàn bộ hệ thống chính trị để triển khai dự án này và không để tình trạng khiếu nại kéo dài.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế đã báo cáo phương án di dời và công bố các chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, số hộ dân Thượng Thành sẽ được di dời trong năm 2019 là 523 hộ, tổng diện tích dự kiến thu hồi của 4 phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Tây Lộc, Thuận Hòa khoảng hơn 165.000 m2, trong đó đất ở đô thị hơn 17.396 m2, đất di tích 14.544 m2, đất trồng cây lâu năm hơn 11.000 m2.

Theo khung chính sách do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các trường hợp người dân sử dụng đất lấn chiếm nhận được sự hỗ trợ lớn khi bị di dời, giải tỏa. Cụ thể, các trường hợp sử dụng đất lấn chiếm trong giai đoạn từ 19/5/1976 - 15/10/1993, trên đất có nhà ở thì được hỗ trợ 100% theo hiện trạng, nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước cũng được hỗ trợ 100% theo diện tích xây dựng, nhưng không vượt quá 200m2.

Các trường hợp sử dụng đất do lấn chiếm trong giai đoạn từ 15/10/1993 - 01/7/2004, đất có nhà ở được hỗ trợ 50% theo hiện trạng nhưng không vượt quá 200m2, phần còn lại hỗ trợ đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở. Những trường hợp xây dựng nhà trên mặt nước trong giai đoạn này được hỗ trợ 50% theo diện tích xây dựng, không vượt quá 200m2.

Việc hỗ trợ đối với các trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 01/7/2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử đất được chia làm 2 loại đối tượng. Đối tượng sử dụng đất trước 15/10/1993 được hỗ trợ 100% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Đối tượng sử dụng đất giai đoạn từ 15/10/1993 - 01/7/2004 được hỗ trợ 50% theo diện tích hiện trạng, không vượt quá 200m2. Phần diện tích đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì được hỗ trợ theo quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở.

Đối với nhà ở, công trình sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Đặc biệt, khung chính sách này quy định, các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở nơi ở mới…

Khung chính sách này cũng quy định cụ thể về các vấn đề như hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư (thời gian hỗ trợ 6 tháng), hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo hộ cận nghèo; hỗ trợ di chuyển toàn bộ chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, bồi thường chi phí di chuyển nhà trước khi nhà nước thu hồi đất...

Tại hội nghị, đại diện các hộ dân đã nêu những thắc mắc và đưa ra các kiến nghị về chính sách di dời, tái định cư cũng như vấn đề sinh kế sau di dời. Các ý kiến của người dân đã được các cơ quan chức năng của Tỉnh và Thành phố Huế trả lời cụ thể, chi tiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế là chủ trương lớn cả về quy mô tiền bạc và quy mô dân cư. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, sở dĩ lâu nay tỉnh không thực hiện được việc di dời dân là do chưa có khung chính sách phù hợp. Để thực hiện đề án, tỉnh đã xây dựng khung chính sách và được Chính phủ phê duyệt, nhờ đó giải quyết được những vướng mắc về pháp luật trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc cân đối vốn để thực hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn. Hiện Chính phủ mới chỉ hỗ trợ 100 tỷ đồng cho việc thực hiện đề án năm 2019 và tỉnh phải huy động các nguồn khác nhằm đảm bảo số tiền khoảng 250 tỷ đồng để thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn người dân chia sẻ với những khó khăn của tỉnh và bình tĩnh, không nghe theo những tác động bên ngoài để dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án.

Quang Phong