566
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 04/11/2014 14:44
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, những năm qua, việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thừa Thiên - Huế đã có bước chuyển đáng kể. Hàng ngàn lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được học nghề, trên 85% học viên có việc làm sau đào tạo. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, có 68% lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phụ nữ nông thôn thích học nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Ảnh: baothuathienhue.vn

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo viên. Các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, điều tra, khảo sát để nắm bắt chính xác nhu cầu học nghề của người lao động... Nhờ vậy, sau 5 năm thực hiện, tỉnh đã đào tạo cho hơn 18.000 lao động, trong đó có khoảng 70% được đào tạo nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 85%, với mức thu nhập 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Xác định đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm, Sở đã tham mưu Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp; thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Căn cứ tình hình, định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương, nhất là chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, các ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động. 

 

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang tập trung đào tạo nghề ở lĩnh vực dệt may và dịch vụ du lịch. Đào tạo nghề may là một trong những ngành nghề đạt hiệu quả, trong số 70% lao động được đào tạo nghề phi nông nghiệp thì có đến 60% học viên của nghề dệt may. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 10 nhà máy sản xuất sản phẩm dệt may với quy mô lớn, giải quyết việc làm cho trên 15 ngàn lao động nông thôn. Nắm bắt thế mạnh này, trong quá trình đào tạo, các cơ sở dạy nghề đã phối hợp với các doanh nghiệp, hợp đồng lao động đào tạo, nhờ vậy mà số lao động sau đào tạo đã được tạo việc làm. Việc làm này cũng tạo thuận lợi để thực hiện mục tiêu đưa ngành công nghiệp dệt may phát triển theo hướng bền vững và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm dệt may của khu vực miền Trung. 

 

Ông Trần Hữu Cánh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, đơn vị chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm; xây dựng hợp đồng đào tạo gắn trách nhiệm của đôi bên, trong đó các doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia tuyển sinh, hỗ trợ nguyên vật liệu, cán bộ kỹ thuật. Sau đào tạo, các doanh nghiệp sẽ kiểm tra tay nghề để nhận lao động vào làm. Những học viên chưa đạt tay nghề thì phối hợp với Trung tâm để bồi dưỡng thêm nếu có nhu cầu. Với cách làm mới đó, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề Hương Trà đã dạy nghề cho hơn 1,500 học viên và đa số đều đã có việc làm ổn định.

  

Đối với các ngành nghề nông nghiệp, các trung tâm đào tạo nghề phối hợp với địa phương khảo sát và đào tạo nghề theo nhu cầu, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Nguyễn Quang Hòa ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền cho biết: Sau khi tham gia lớp dạy nghề và tập huấn kỹ thuật trồng rau sạch, anh đã có thêm kiến thức về quản lý giống rau, sử dụng phân bón và phụ gia, nước tưới và hóa chất một cách hợp lý, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Nhờ vậy, vườn rau của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng cả năng suất lẫn chất lượng sản phẩm. Với 1,5 sào rau, mỗi năm gia đình anh có thu nhập trên 20 triệu đồng.

  

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 54% của năm 2014 lên 56% năm 2015; trong đó giải quyết việc làm cho 16.000 lao động với 2.100 lao động được giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 2,1%; đào tạo nghề cho 3.500 lao động nông thôn. Tỉnh tiếp tục tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn đến các địa bàn dân cư; phát triển nhiều chương trình dạy nghề đáp ứng nhu cầu thiết thực của lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; kéo dài thời gian đào tạo nghề cơ bản; đảm bảo sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; căn cứ nhu cầu phát triển của địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo đào tạo nghề vừa có chất lượng, có việc làm vừa tăng thu nhập.

  

Tin tức