Năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội; các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội về tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ, ngành Tư pháp đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật. Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục đạt mức cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân.
Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành 03 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, bên cạnh, việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với bối cảnh năm 2025. Qua đó, tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển KTXH năm 2025. Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, Ngành Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ thúc đẩy cải cách hành chính mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước trong thời kỳ chuyển đổi số.
Qua đó, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện về số hóa dữ liệu từ sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đến nay, đã chuyển vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc với hơn 1.2 triệu trường hợp. Là một trong 17 tỉnh/thành phố trong cả nước đã hoàn thành việc số hóa sổ hộ tịch giấy vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đảm bảo yêu cầu của Bộ Tư pháp. UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 63 của Chính phủ về quy định việc thực hiện liên thông điện tử 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa nền hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, minh bạch và thuận tiện hơn. Việc triển khai liên thông điện tử giúp giảm thiểu đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, chi phí đi lại, đồng thời góp phần nâng cao tính hiệu quả trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử thân thiện và chuyên nghiệp.
Đại biểu tại Hội nghị
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông về việc triển khai các giải pháp kỹ thuật thực hiện quy trình đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến. Cùng với thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế được chọn thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên ứng dụng định danh quốc gia VneID. Qua thời gian triển khai thực hiện thí điểm nhận thấy việc thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID rất thuận lợi cho người dân, các thao tác đơn giản, dễ hiểu. Việc nhận hồ sơ, gửi tra cứu thông tin được thực hiện nhanh chóng. Kết quả từ ngày 22/4/2024 đến hết ngày 11/12/2024, hồ sơ tiếp nhận qua ứng dụng VNeID là hơn 8 ngàn hồ sơ, đạt tỉ lệ 75,5%, tỷ lệ giải quyết đúng hẹn, trước hẹn là 98%, thời gian giải quyết hồ sơ đã rút ngắn đáng kể.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, hướng dẫn đối với công tác cấp Phiếu LLTP trên VNeID tại địa phương. Nâng cấp phần mềm Hệ thống Quản lý lý lịch tư pháp đảm bảo hoạt động ổn định. Đề nghị Bộ Công an hoàn thiện, bổ sung các tính năng và khắc phục các lỗi kỹ thuật của Hệ thống phần mềm để thực hiện cấp Phiếu LLTP được kịp thời. Đồng chí mong muốn Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp và các bộ, ban ngành trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh sau khi Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, nhất là vấn đề xây dựng, áp dụng pháp luật, những vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp và các lĩnh vực khác.
Văn Bốn