880
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 19/08/2014 09:09
Đình làng dấu ấn mùa thu cách mạng
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, đình làng ở Thừa Thiên Huế là nơi ghi lại dấu ấn của nhân dân đứng lên giành chính quyền, lật đổ chế độ thực dân phong kiến. Đến nay, nhiều đình làng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Đình Dương Nổ bên sông Phổ Lợi

Năm 1977, tôi vào Huế dạy học. Ngôi trường ghi lại bài giảng đầu tiên của tôi là trường làng Dương Nổ, xã Phú Dương, Phú Vang cách Huế chừng 7 km về phía Đông. Khi tôi đến đây nhận nhiệm sở, cũng là lúc chính quyền và nhân dân Phú Dương cùng với huyện Hương Phú (cũ) đang tích cực tu bổ các di tích ghi lại dấu ấn thời niên thiếu của Bác Hồ. Ngôi nhà lưu niệm Bác ở, đình Dương Nỗ, Bến Đá trước đình, Am Bà, chiếc cầu tre bắc qua sông Phổ Lợi… in đậm hình bóng của cậu bé Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Là một Tổng phụ trách Đội TNTP, những lần sinh hoạt đội, tôi thường dẫn các em ra sân đình Dương Nổ tập nghi thức, tổ chức các trò chơi và giải thích cho các em biết và tự hào về ngôi đình làng lịch sử này.

Theo các tư liệu lịch sử, đình làng Dương Nổ được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471) để thờ các vị tiền nhân, lúc đầu Đình chỉ là tranh, tre, nứa, lá; đến năm 1808 được sự giúp đỡ của Tri tượng Chánh chưởng Tượng quân kiêm Cai tào vụ Giám quân Nguyễn Đức Xuyên (một vị tướng dưới thời vua Gia Long, quê ở làng Dương Nổ), đình được xây dựng lại với kiến trúc được lưu giữ đến hôm nay. Ngoài giá trị về khoa học lịch sử là di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, đình làng Dương Nổ còn có những giá trị về kiến trúc nghệ thuật văn hoá tiêu biểu của một thiết chế văn hoá làng xã Việt Nam trên đất Huế, với những nét đặc trưng và phong cách độc đáo. Chính từ ngôi đình này, hàng trăm dân làng với khí thế Nỗi dậy hòa nhập đoàn quân, trên bộ, dưới thuyền, dòng Phổ Lợi trước sân đình in bóng rợp trời cờ đỏ sao vàng ngược dòng lên Huế tham gia mit-tinh, mừng thành công Cách mạng Tháng Tám - 1945.

Những năm sáu mươi, khi nước nhà còn chia cắt, đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc, đến Thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ. Biết trong đoàn có người ở Huế, Bác đã hỏi: “Đình làng Dương Nổ có cái cột đình to như thế này này… có còn không?”. Huế với Bác là máu thịt. Đình làng Dương Nổ trong ký ức tuổi thơ của Bác không thể nào phai. Ngày 23 tháng 12 năm 1995, đình Dương Nổ đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Lịch sử Cách mạng Tháng Tám ở Huế có thể bắt đầu từ sóng nước Tam Giang - Cầu Hai, huyện Phú Lộc với “Hội nghị Đầm Cầu Hai”. Cũng từ vùng đất mênh mang sông nước này, cạnh sông Truồi (sông Hưng Bình) thuộc thôn Nam, làng Bàn Môn, xã Lộc An, có một ngôi đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, để thờ cúng hai ngài khai canh, khai khẩn và là nơi dân làng tụ họp để tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng. Trước Cách mạng Tháng Tám, đình Bàn Môn luôn là địa điểm của các hoạt động cách mạng ở địa phương. Trong thời kỳ 1936 - 1939, tại đình Bàn Môn, chi bộ Cộng sản Truồi đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện hai chủ trương lớn của Đảng là: Thành lập Hương hội theo chế độ dân uỷ và cấp công điền công thổ cho nông dân.

Năm 1942, trung tâm lãnh đạo cách mạng tỉnh Thừa Thiên được chuyển về Phú Lộc. Sau khi thoát khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở về Thừa Thiên hoạt động. Tại đình Bàn Môn, đồng chí đã truyền đạt Nghị quyết 8 của Trung ương về thành lập Mặt trận Việt Minh và vũ trang khởi nghĩa. Trong những năm 1944 - 1945. Đình Bàn Môn là một trong những địa điểm tổ chức mittinh bí mật hưởng ứng chủ trương kháng Nhật cứu nước của Mặt trận Việt Minh. Những ngày tiền khởi nghĩa, đình Bàn Môn là địa điểm tập trung huấn luyện tự vệ chiến đấu chuẩn bị giành chính quyền về tay nhân dân. Sau ngày Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đình Bàn Môn là trụ sở của Mặt trận Việt Minh và Uỷ ban nhân dân cách mạng xã Đại Thành (tên cũ của xã Lộc An). Đình làng là nơi hội họp phát động các phong trào “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”, cũng là nơi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (6-1-1946).

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Bàn Môn là nơi trú quân của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Quê hương Bàn Môn là nơi đã sinh ra những người con ưu tú của Đảng: Lê Bá Dị, Lê Trọng Uẩn, Nguyễn Sơn, Lê Thức Khánh, Lê Đức Anh...

Trong Cách mạng Tháng Tám, đình làng ở Thừa Thiên Huế là nơi hội quân để nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền, giành quyền làm chủ về tay mình. Từ đình làng Kim Long, Tây Lộc, An Truyền, Dạ Lê, An Xá,… sau khi giành chính quyền thắng lợi hàng vạn người dân đã nô nức đổ về sân vận động Tự do và tuần hành về Ngọ môn chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Đại… Nhiều đình làng ở Thừa Thiên Huế đã trở thành di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia. Trải qua thời gian, biến động của lịch sử, nhiều đình làng vẫn được chú trọng tôn tạo, giữ gìn và trong những năm trở lại đây nhiều đình làng đã được con cháu dân làng góp công, góp của xây dựng lại. Điều đó thêm khẳng định vị thế của đình làng trong đời sống tâm linh, là “ quốc hồn, quốc túy” văn hóa Việt.

 Mùa thu cũng là mùa Thu tế của con dân làng. Đình làng những ngày này luôn từng bừng, nhộn nhịp, rực rỡ cờ hoa. Con cháu khắp nơi đổ về để được dịp dâng hương, kính bái tổ tiên, những bậc tiên hiền có công lập làng, có công dựng xây và bảo vệ non sông gấm vóc.

TTH