Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, nguồn lợi thủy sản đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển nước ta. Hoạt động khai thác thủy sản không những tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho hàng triệu lao động nghề cá mà còn tạo thu nhập gián tiếp cho người dân thông qua các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến, thương mại thủy sản. Tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), sự cố môi trường biển đã làm hải sản chết hàng loạt, môi trường bị ô nhiễm, hệ sinh thái biển bị phá hủy và hoạt động khai thác thủy sản bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng dân cư ven biển, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội trong khu vực.
Để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển ở vùng biển chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường; khôi phục hoạt động khai thác, sản xuất thuỷ sản và ổn định sinh kế của người dân ở vùng xảy ra sự cố môi trường thì việc thực hiện các hoạt động nhằm phục hồi nguồn lợi, hệ sinh thái biển là cần thiết. Song song với các hoạt động đó thì việc đánh giá, giám sát khả năng phục hồi nguồn lợi cũng cần được thực hiện đồng bộ. Vì vậy, diễn đàn “Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản” tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm để lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương về những giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển, nhất là kinh nghiệm phục hồi hệ sinh thái trong nước và nước ngoài, qua đó làm căn cứ để Bộ NN&PTNT định hướng giải pháp phục hồi, tái tạo hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã nghe Thạc sĩ Chu Thế Cường - Viện Tài nguyên và Môi trường biển trình bày tham luận khoa học về “Hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái vùng biển miền Trung và giải pháp phục hồi, tái tạo”; Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu hải sản Nguyễn Văn Nguyên trình bày về “Hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản và nghề cá ven bờ ở 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường”; tham Luận “Quy hoạch không gian trong bảo tồn đa dạng sinh học biển của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội; tham luận “Thiết lập hệ thống bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng giai đoạn 2009 - 2015, định hướng quản lý và phát triển giai đoạn 2016 - 2020 tại tỉnh Thừa Thiên Huế của đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế...
Kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đánh giá cao kết quả nghiên cứu và cách tiếp cận về bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển của các đơn vị nghiên cứu. Những giải pháp đề xuất của các nhà khoa học và từ thực tiễn của địa phương sẽ là căn cứ để Bộ NN&PTNT tổng hợp, đánh giá và đề xuất Chính phủ về việc xây dựng Đề án khôi phục, tái tạo hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản thiệt thực hơn tại 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển cũng như tại các tỉnh ven biển của cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị, các địa phương ở 4 tỉnh miền Trung vận động nhân dân không khai thác tầng đáy từ 20 hải lý trở vào để sớm khôi phục hệ tầng sinh thái biển. Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Tổng cục Thủy sản phối với các Viện nghiên cứu thủy sản tiếp tục khảo sát thực trạng hệ sinh thái biển, có đánh giá cụ thể và làm rõ phương pháp phục hồi hệ sinh thái biển kèm theo các giải pháp quản lý.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để bảo vệ và tái tạo tốt nguồn lợi thủy sản, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ thành lập Hội bảo vệ thủy sản trên phạm vi toàn quốc nhằm thực hiện công tác bảo vệ được thống nhất và toàn diện hơn.
Phạm Hà