Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cuối năm 1972 ở chiến trường Thừa Thiên Huế địch đã tiến hành nhiều đợt càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Tại khu vực rừng núi phía Tây, dọc theo trục đường 12 (nay là Quốc lộ 49 từ Huế - A Lưới), trong đó có dãy núi An Hô, một trong những vị trí chiến lược quan trọng nằm về hướng Tây của thành phố Huế. Ở đây, địch đã lập các đồn chốt và xây dựng các căn cứ quân sự như: Bastogne (Động Tranh), Checkmate (cao điểm 342), Birmingham (Bình Điền)... với mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công mở rộng vùng giải phóng của ta từ A Lưới về đồng bằng.
Để bảo vệ vững chắc vùng giải phóng phía Tây Thừa Thiên Huế, Bộ Chỉ huy Sư đoàn 324 quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 1 mở chiến dịch tấn công giành lại toàn bộ dãy An Hô, Tà Lương và cao điểm 620 ở hai bên trục đường 12. Từ đó, xây dựng hệ thống phòng tuyến sông Bồ - An Hô - Tà Lương - cao điểm 620, nhằm bảo vệ vững chắc vùng giải phóng A Lưới, đồng thời làm bàn đạp để tấn công về Huế. Trong những kế hoạch được giao, nhiệm vụ xây dựng một địa đạo trên dãy An Hô đóng vai trò cực kỳ quan trọng, ngoài nhiệm vụ phòng thủ, địa đạo còn được dự tính lâu dài cho việc tập kết, dự trữ trang thiết bị và vũ khí cho đơn vị trong các chiến dịch.
Thực hiện nhiệm vụ này, Đại đội 2, Trung đoàn 1, thuộc Sư đoàn 324 đã tổ chức tấn công địch đang chốt giữ trên dãy An Hô. Sau hai ngày giằng co từng mét hào, căn hầm, quân ta đã chiếm được từ mỏm 1 đến mỏm 3. Hồi tưởng về những ngày oanh liệt ấy, Cựu chiến binh Bùi Văn Thọ, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, rưng rưng: “Để chiếm được các mỏm cao, rất nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh, bởi từ trên cao địch chống trả bắn xuống rất dữ dội...”.
Các Cựu chiến binh Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 thăm địa đạo An Hô.
Sau hai tuần giao tranh với địch, Đại đội 2 đã chiếm lĩnh và làm chủ hoàn toàn 8 mỏm của dãy núi An Hô. Ngay sau khi làm chủ dãy An Hô, Đại đội 17 Công binh của Trung đoàn 1 đã khảo sát thực địa và chọn vị trí sườn phía Tây mỏm 1 để đào địa đạo. Cựu chiến binh Nguyễn Lễ, nguyên Trung đội phó Trung đội 2, Đại đội Công binh 17, một trong những người trực tiếp thiết kế và chỉ huy đào địa đạo An Hô kể lại: “Khi tổ chức thi công đào phải thường xuyên sử dụng la bàn để định hướng, dùng thước thủy bình để xác định mặt bằng đường hầm, dùng thước dây để xác định kích thước. Nếu quá trình đào, một đầu đào lên, một đầu đào xuống hoặc đào lệch ngang thì rất nguy hiểm và tốn công sức. Rất may điều đó không xảy ra, khi anh em đào trong hầm nghe tiếng thậm thịch từ phía bên kia. Cuối cùng thì một lỗ thủng đã nối liền hai hướng của đường hầm, chiến sỹ hai bên gặp nhau, niềm vui vỡ òa trong lòng núi…”.
Tháng 01/1974, địa đạo An Hô hoàn thành, được thiết kế theo hình chữ U, dài gần 100m, gồm có 2 cửa ra vào, nối liền với các giao thông hào bao bọc xung quanh địa đạo và kéo dài trên dãy An Hô. Địa đạo có chiều rộng trung bình 2m, cao trung bình 2,3m, bên trong được khoét lõm vào thành các căn phòng, từ ngoài vào là phòng số 1, nơi sinh hoạt của Sở Chỉ huy Trung đoàn 1, cách phòng số 1 khoảng 38m là phòng số 2, làm nơi hội họp và đối diện là phòng số 3 sử dụng làm nơi tập kết lương thực, vũ khí và trang thiết bị…
Địa đạo An Hô đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng, án ngữ ở trục đường 12 (nay là Quốc lộ 49), phía Tây là vùng giải phóng A Lưới, căn cứ địa cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tuyến hành lang chiến lược 559 (đường Hồ Chí Minh) đi ngang qua, là tuyến vận tải chiến lược quan trọng từ miền Bắc vào chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, nối liền từ Bốt Đỏ về đèo Tà Lương - An Hô. Ngoài nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ vùng giải phóng A Lưới, địa đạo An Hô còn là nơi tập kết, dự trữ lương thực, trang thiết bị và vũ khí đạn dược để cung cấp kịp thời cho hệ thống phòng thủ An Hô - Tà Lương - sông Bồ và các chiến dịch ở mặt trận phía Tây Thừa Thiên Huế.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng Huế, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đóng tại An Hô đã hợp đồng tác chiến cùng các đơn vị chủ lực khác, trong đó có Trung đoàn 6 của Quân khu Trị Thiên tạo ra mũi tiến công từ An Hô - Tà Lương xuôi theo đường 12, vượt sông Hương về thành phố Huế. Một số đơn vị chủ lực khác của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 đã phối hợp với Sư đoàn 325 và các đơn vị bộ đội chủ lực của địa phương mở hướng tấn công theo đường 14 từ Mỏ Tàu, Núi Bông, Núi Nghệ (huyện Phú Lộc) về cửa biển Thuận An (huyện Phú Vang) tiến hành cắt đứt tuyến Quốc lộ 1A, tạo đà thuận lợi tiến đến giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.
Bên trong địa đạo An Hô.
Đã 45 năm trôi qua, hiện nay hệ thống địa đạo và hàng trăm mét giao thông hào, nhiều ụ súng chiến đấu, hầm chữ A nằm trải dài trên dãy núi An Hô vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây là những bằng chứng sinh động, minh chứng cho cuộc chiến đấu anh dũng của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 về một giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Địa đạo An Hô đã để lại nhiều bài học quý giá, trong lĩnh vực quân sự, đó là việc xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh Quốc gia.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, một lần nữa khẳng định: Địa đạo An Hô góp phần làm phong phú và đa dạng các loại hình địa đạo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thể hiện sự thông minh, sáng tạo, làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội Việt Nam. Địa đạo An Hô là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, những người được sinh ra và lớn lên trong thời bình, giúp họ có nhận thức sâu sắc hơn về cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của các thế hệ cha, ông. Từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước và biết trân quý những giá trị hòa bình, độc lập, thống nhất của ngày hôm nay.
Bá Trí