Năng động
Từng là Phó Bí thư Huyện đoàn A Lưới, đảng viên trẻ Lê Phước Anh là một trong số cán bộ trẻ được điều động về làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy vào tháng 5/2015.
Ngay sau khi tiếp nhận công việc mới, nhiệm vụ đầu tiên của chàng đảng viên trẻ Lê Phước Anh là triển khai thực hiện nghị quyết của các cấp ủy Đảng về chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Sau khi bàn bạc, anh đưa ra quan điểm không chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà huy động tổng lực từ sức dân. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Sơn Thủy tập trung ưu tiên nguồn vốn hoàn chỉnh các tiêu chí gần đạt, hay tiêu chí có thể huy động được sức dân cùng tham gia để làm trước. Ưu tiên lựa chọn đầu tư mở rộng đường giao thông, hệ thống nước sạch, thủy lợi, nâng cấp trường học, trạm xá...
Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Lê Phước Anh, cho biết: Xã không chạy theo các tiêu chí không cần thiết như tiêu chí về chợ. Bởi đây là địa bàn giáp ranh với khu vực Bốt Đỏ, nơi có chợ tương đối sầm uất, đường giao thông liên thôn, liên xã khá thuận lợi nên việc xây dựng thêm chính là lãng phí.
Với quan điểm người dân sẽ có cuộc sống tốt hơn từ chương trình xây dựng NTM, các hạng mục đầu tư như đường giao thông, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, y tế, trường học, hay tiêu chí về nâng cao thu nhập… đều được vị Chủ tịch trẻ Lê Phước Anh cân nhắc và tính toán rất kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Nhờ đó, 19/19 tiêu chí mà Sơn Thủy đã đạt được có tính bền vững, chất lượng và phát huy hiệu quả.
Từ khi phát động xây dựng NTM đến nay, Sơn Thủy đã huy động được gần 9,8 tỷ đồng, hàng trăm gia đình tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công, vật liệu để mở rộng đường nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi. Nhiều gia đình ở Sơn Thủy đã chuyển từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ (TTCN TM&DV); ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất theo hướng gia trại, trang trại, gắn với phát triển các ngành nghề, dịch vụ.
Nếu như năm 2011, địa phương có 115 cơ sở TTCN, thì đến nay, toàn xã có 242 cơ sở sản xuất TTCN TM&DV; trong đó, 70 cơ sở sản xuất TTCN, xây dựng; 52 cơ sở tiểu thương; 67 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, vận tải, và 53 cơ sở dịch vụ nông nghiệp...
Các đảng viên trẻ thuộc Trung tâm Hành chính công huyện A Lưới nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện A Lưới Hồ Mạnh Giang nhanh tay sắp xếp đống giấy tờ trên bàn rồi rót trà mời khách từ dưới xuôi. Chàng đảng viên trẻ người Pa Cô này từng bị mọi người cho là dở hơi bởi sau khi được cấp bằng thạc sĩ từ Đại học Tổng hợp Hawaii, Hoa Kỳ, anh lại xin về làm việc tại huyện miền núi A Lưới đặc biệt khó khăn này. “Làm việc ở đâu thì cũng đóng góp cho quê hương thôi…” - Hồ Mạnh Giang mở đầu câu chuyện.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo người Pa Cô ở quê hương A Lưới, học hết cấp 3 với thành tích học tập xuất sắc, Giang được huyện chọn đi học cử tuyển tại Trường Đại học Kinh tế - Huế, chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau 4 năm nỗ lực dành được học bổng khuyến khích của trường, Hồ Mạnh Giang hoàn tất khóa học lấy bằng cử nhân với kết quả loại giỏi. Với thành tích đó, Giang có dịp tiếp xúc với chương trình học bổng quốc tế (IFP) do Trung tâm trao đổi giáo dục Việt Nam giới thiệu và anh trực tiếp được phỏng vấn, sau đó dự thi và đạt tiêu chí vượt qua để nhận quyết định đi du học ở Mỹ theo Chương trình IFP (International Fellowship Programme) do học bổng Quỹ Ford tài trợ.
Giang bảo: “A Lưới còn nhiều khó khăn, em chọn chuyên ngành hành chính công với mong muốn có thể đem những kiến thức học được góp phần phục vụ tốt hơn công tác chính sách, cải cách hành chính đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số quê em”. Tâm nguyện quay về làm việc tại quê hương A Lưới được chàng thanh niên Pa cô Hồ Mạnh Giang quyết tâm thực hiện sau khi anh nhận tấm bằng “Mát-tơ” ở Mỹ. Anh bằng lòng nhận công tác với vị trí chuyên viên tổng hợp Văn phòng UBND huyện A Lưới. Với đảng viên trẻ Hồ Mạnh Giang, về quê hương công tác, cống hiến là tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời mình…
Đến năm 2015, UBND huyện A Lưới đã có quyết định bổ nhiệm Hồ Mạnh Giang giữ chức Phó trưởng phòng Nội vụ huyện A Lưới. Từ khi tiếp nhận công việc này, đảng viên trẻ Hồ Mạnh Giang đã phát huy được năng lực chuyên môn, tham mưu có hiệu quả về công tác cải cách hành chính ở nhiều lĩnh vực và một số chính sách liên quan đến dân tộc, miền núi trên địa bàn. Theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy A Lưới Lê Tiến Sáu, các đảng viên như Lê Phước Anh, Hồ Mạnh Giang… là hai trong số các đảng viên trẻ đã góp phần thể hiện được vai trò của đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo của huyện A Lưới trên mọi lĩnh vực công tác ở địa phương trong giai đoạn mới.
Trưởng thành
Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu cho biết: Để phát huy vai trò đảng viên trẻ, Ban Thường vụ Huyện ủy tiến hành rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ, lựa chọn cán bộ trẻ trong diện quy hoạch, xem xét trình độ, năng lực sở trường của mỗi cán bộ và nhu cầu cán bộ của từng địa phương, đơn vị để xác định nơi luân chuyển, bố trí công tác phù hợp. Từ năm 2015 đến nay, đã có 66 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý được điều động, luân chuyển. Trong đó, có 53 trường hợp được điều động ngan, 4 trường hợp điều động từ xã lên huyện; điều động 11 cán bộ trẻ để kiện toàn các chức danh phòng, ban, đoàn thể cấp huyện và các xã, thị trấn. Trong đó, có 8 cán bộ chuyển từ huyện về xã, 3 cán bộ chuyển từ xã lên huyện…
Cũng theo Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, việc mạnh dạn bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng phát huy vai trò đảng viên trẻ ở A Lưới đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Qua đó, khắc phục được tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tạo sự liên thông, động lực trong học tập và công tác của cán bộ từ huyện đến cơ sở, tạo cơ hội để cán bộ phấn đấu vươn lên. Việc kết hợp giữa điều động và bố trí cán bộ trẻ đã khắc phục cơ bản tình trạng bị động, hụt hẫng, khép kín trong công tác cán bộ ở các phòng, ban, các xã, thị trấn. Từng bước điều chỉnh hợp lý việc bố trí cán bộ, tăng cường cán bộ cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là các xã khó khăn về cán bộ.
Hiệu quả đã thể hiện rõ thông qua sự trưởng thành và vững vàng của đội ngũ đảng viên trẻ. Cán bộ trẻ được giao nhiệm vụ có quan điểm, cách giải quyết công việc toàn diện, sát thực tiễn hơn và có bước trưởng thành nhanh chóng, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các lĩnh vực công tác, nhiệm vụ của địa phương.
Bá Trí