Ban Thường vụ Huyện ủy đã lựa chọn và xác định các nội dung đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là: Tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM); thu ngân sách, phát triển nguồn thu từ khai thác quỹ đất; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn; nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình xây dựng cơ bản, đồng thời cải tạo, nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính và thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu của việc học tập và làm theo Bác là tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác của cán bộ theo hướng trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân. Chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, “nói đi đôi với làm”. Tập trung chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả vấn đề bức xúc, nổi cộm và người dân quan tâm theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”. Lựa chọn những nội dung còn hạn chế, yếu kém để tập trung giải quyết dứt điểm, tạo sự chuyển biến rõ nét ở từng cơ quan, đơn vị...
Các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trân tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt hàng tháng, sinh hoạt định kỳ. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị đã chủ động xây dựng và bổ sung thêm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét, phân loại đảng viên, công chức, viên chức, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phù hợp, thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, coi đây là công việc quan trọng, thường xuyên. Mỗi năm, các cơ quan, đơn vị lựa chọn một số vấn đề bức xúc, nổi cộm để tập trung khắc phục như giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai, dân tộc... 100% ủy viên ban chấp hành đảng bộ huyện, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ xây dựng kế hoạch nêu gương để thực hiện và làm căn cứ đánh giá hàng năm.
Hương Sơn trước nay là xã nghèo, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 100% tổng số dân toàn xã. Phần lớn người dân làm kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Theo đó, việc đưa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng vào đời sống đã từng bước nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân xã Hương Sơn.
Thành công lớn nhất trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 là vấn đề xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Là xã có xuất phát điểm thấp, tuy nhiên, trong những năm qua, địa phương đã phối hợp tích cực đến các thôn tập trung vào việc chuyển dịch giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Chính những điều ấy, kinh tế xã ngày càng có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con có nhiều đổi thay. Song song việc hoàn thành và xây dựng các phong trào thi đua nổi bật, xã Hương Sơn triển khai thực hiện đồng bộ nhiều mô hình như: Tương trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gắn sáng, xanh sạch, đẹp, hay thắp sáng đường quê, hiến đất, hiến cây làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi…mang lại hiệu quả cao. Do đó, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người 37 triệu đồng/năm. Song hành với việc phát triển kinh tế trong toàn xã, để Chỉ thị 05 phát huy hiệu quả, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, gắn với nhiệm vụ, công việc được giao và lấy đó làm một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm. Là một trong những thôn đang là điểm sáng của xã Hương Sơn, thôn Bha Bhar hiện tại có 106 hộ, trong đó, có 42 đảng viên luôn tổ chức sinh hoạt hàng tháng để rút kinh nghiệm. Tại các buổi sinh hoạt, các đảng viên trong chi bộ luôn đóng góp các ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như: Tích cực vận động người dân trong thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mở rộng diện tích làm đường bê tông ngõ xóm; làm tốt công tác vệ sinh môi trường... Trước đây, do nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế nên tình trạng rác thải sinh hoạt vẫn còn vứt bừa bãi, chưa để đúng nơi quy định gây mất vệ sinh môi trường”. Anh Lê Hồng Vĩnh - Bí thư chi bộ thôn thôn Bha Bhar, xã Hương Sơn chia sẽ: Với vai trò là Bí thư chi bộ thôn, bản thân luôn nghiêm túc tiên phong gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương phát động. Đặc biệt là trong việc hiến đất, hiến cây và tài sản trên đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi.
Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã góp phần quan trọng giúp xã Hương Xuân đạt được nhiều chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội. Xác định việc phát triển sản xuất nâng cao thu nhập là gốc, xây dựng cơ sở hạ tầng là cần thiết, nâng cao đời sống cho người dân là mục tiêu, nên ngay từ khi thực hiện XDNTM, đảng bộ xã chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động của đảng bộ sát với tình hình thực tế. Hàng năm đề ra các nghị quyết lãnh đạo về phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM; quân sự - quốc phòng; giáo dục; nông nghiệp, nông thôn... Việc xây dựng các nghị quyết sát với thực tế địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảng bộ xã đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu giá trị sản xuất tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, vượt mục tiêu đề ra. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên hơn 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,01%. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa được đẩy mạnh. Nhiều năm, Đảng bộ xã Hương Xuân được công nhận trong sạch, vững mạnh, xã đã đạt chuẩn NTM. Trong thời gian tới, đảng ủy xã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 chính là động lực lớn để xã hoàn thành các mục tiêu đề ra, mà cụ thể là hoàn thành xã NTM nâng cao. Ông Mai Văn Đức - Phó Bí thư đảng ủy xã Hương Xuân cho biết: Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tại nhiều đơn vị và địa phương đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo được phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo là phong trào trọng tâm được Hội Phụ nữ nhiều địa phương quan tâm và triển khai sâu rộng trong thời gian qua. Hiện nay các chi hội trên địa bàn huyện đều xây dựng được nguồn quỹ riêng, cho hội viên nghèo vay vốn, bên cạnh đó theo dõi tình hình đời sống chị em, giao chỉ tiêu giúp đỡ hộ nghèo đến từng chi hội, mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào phụ nữ gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Từ những buổi sinh hoạt định kỳ, các chị, các mẹ đã lồng ghép triển khai nhiều nội dung, chương trình, những cách làm hay, những mô hình làm kinh tế giỏi được đưa ra để các hội viên khác học tập cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Để xây dựng chi hội vững mạnh, tất cả hội viên trong xã đã tình nguyện quyên góp, xây dựng tổ tiết kiệm dưới nhiều hình thức khác nhau như: Nuôi heo đất, 1 ngày đi chợ tiết kiệm 5 đến 10 ngàn đồng; ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo; đầu năm đóng góp, cuối năm cho các hội viên nghèo sắm Tết… Số tiền thu được chi hội giúp hội viên nghèo, đặc biệt là các chị làm chủ hộ phát triển kinh tế. Với những việc làm thiết thực và đa đạng hóa phương thức nội dung, hoạt động, các cấp Hội phụ nữ huyện Nam Đông đã góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình giảm nghèo, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trong thời gian tới, Hội phụ nữ huyện tiếp tục đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt hơn phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, thường xuyên tuyên truyền quan tâm đến phụ nữ nghèo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo. Chị Hoàng Thị Loan - Chủ tịch HLHPN huyện Nam Đông: “Mặc dù là huyện miền núi, nhưng trong những năm qua, Hội liên hiệp phụ nữ các cấp luôn quan tâm tới đời sống của chị em hội viên, đặc biệt là đối với hội viên nghèo. Thông qua nhiều mô hình như nuôi heo đất tiết kiệm, mỗi ngày đi chợ tiết kiệm 5 đến 10 ngàn đồng… Từ nguồn quỹ trên, hàng năm chúng tôi hỗ trợ giúp đỡ nhiều chị của 10 xã, thị trấn thoát nghèo. Trong thời gian tới Hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở tiếp tục nhân rộng có quả những mô hình hay giúp đỡ nhiều chị thoát nghèo bền vững”.
Một trong những kết quả nổi bật là việc thực hiện Chỉ thị này đã để lại nhiều dấu ấn, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, dần trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hiệu quả của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra những thay đổi rõ nét, có chiều sâu trong toàn hệ thống chính trị và trong hầu hết cán bộ, đảng viên. Cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII ) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 05 - CT/TW của Bộ Chính trị đã góp phần không nhỏ ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những nhận thức lệch lạc; đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch...
Cần gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, đơn vị. Đặc biệt, làm tốt việc biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp; đồng thời vận dụng hiệu quả Chỉ thị 05 vào cuộc sống và công việc chuyên môn; nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tiến Dũng