Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, kể từ ngày 1/7, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, là bước đi phù hợp trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch. Việc tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, phân cấp hợp lý không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ công. Đây được xem là một giải pháp quan trọng nhằm tăng cường năng lực phục vụ của chính quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và củng cố niềm tin của người dân vào bộ máy nhà nước.
Sau sáp nhập, huyện Quảng Điền thành lập 2 xã mới là: Quảng Điền (thị trấn Sịa, xã Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thọ - cũ) và Đan Điền (xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phú - cũ). Riêng 2 xã: Quảng Công, Quảng Ngạn sáp nhập về TX. Phong Điền cùng với phường Phong Hải để trở thành tên gọi mới là phường Phong Quảng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, huyện Quảng Điền đề xuất với đoàn công tác về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở vật chất; trang thiết bị tại Trung tâm phục vụ hành chính công…và cần được bố trí kinh phí để khắc phục. Đại diện các sở, ban, ngành của TP. Huế cũng đã giải đáp nhiều vấn đề mà huyện Quảng Điền quan tâm, với quan điểm chung là, khắc phục khó khăn, vận hành bộ máy chính quyền mới thông suốt, hiệu quả, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, các sở, ngành và huyện Quảng Điền cũng tập trung rà soát tình hình tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ cán bộ, việc triển khai các quy trình xử lý công việc hành chính mới, cũng như đánh giá khả năng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của cấp xã sau khi được mở rộng thẩm quyền trong giải quyết TTHC.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của đội ngũ lãnh đạo tiếp quản bộ máy mới ở Quảng Điền và các sở, ban, ngành liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình lưu ý, từ nay đến ngày vận hành bộ máy mới, Quảng Điền cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hành lang pháp lý, nhân sự làm việc từ thực tế công việc; chủ động các quy trình, thủ tục, điều kiện để vận hành bộ máy đạt kết quả cao nhất, những vấn đề gì còn khó khăn cần tập trung tháo gỡ ngay. Sau 1/7, khi đưa vào vận hành bộ máy còn những tồn tại, bất cập cần có sự điều chỉnh dần dần từ thực tế công việc. Cán bộ làm công việc trong bộ máy mới phải được tiếp cận, cập nhật thông tin và có sự liên thông với các sở, ban, ngành có liên quan. Việc lưu trữ hồ sơ cũng là vấn đề quan trọng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, tránh sai sót.
Đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi sang mô hình mới, đặc biệt là trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Mỗi khu vực, mỗi địa phương phải có hạt nhân cán bộ để hướng dẫn trực tiếp những cán bộ còn lại với tinh thần khẩn trương bằng những công việc rất cụ thể. Về cơ sở vật chất trước mắt phải sử dụng lại. Các sở, ban, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình để nỗ lực cố gắng hết sức vì công việc chung, đảm bảo vận hành bộ máy mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi sang mô hình mới, đặc biệt là trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ tổ chức bộ máy, nhân sự đến quy trình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cũng lưu ý các địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện quy chế phối hợp nội bộ, tổ chức lại bộ phận một cửa, rà soát hệ thống phần mềm quản lý để bảo đảm thông suốt trong vận hành. Với các lĩnh vực người dân quan tâm như cấp phép xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh, cần niêm yết công khai quy trình, thời gian giải quyết, người chịu trách nhiệm, tránh tình trạng mập mờ, gây phiền hà trong quá trình thực thi. Việc này không chỉ bảo đảm tính thông suốt trong công tác quản lý, điều hành mà còn góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Mô hình chính quyền hai cấp được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, và phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Do đó, việc đánh giá thực trạng, xác định các hạn chế và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện TTHC là hết sức cần thiết, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu cải cách hành chính giai đoạn hiện nay.
Văn Bốn