154
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 28/09/2022 13:46
Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn sau bão
Trên địa bàn huyện Phong Điền, bão số 4 có mưa to và gió lớn, làm nhiều cây xanh bị ngã đổ, chắn ngang đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Ngay sau khi bão tan, lực lượng chức năng và các địa phương kịp thời phát hiện và tham gia dọn dẹp các chướng ngại vật trên đường, đảm bảo phương tiện tham gia giao thông thông suốt, an toàn. Các tổ công tác nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão và chủ động đối phó khi có mưa lũ do hoàn lưu của bão kết hợp không khí lạnh tràn về gây ra.

Trước diễn biến của cơn bão số 4, huyện Phong Điền đã chủ động theo dõi chặt chẽ thông tin cơn bão và chủ động triển khai các phương án, kế hoạch tập trung lực lượng phòng chống bão, mưa lũ, kiểm tra, chuẩn bị các phương tiện vận tải, công cụ, phương tiện cứu nạn, cứu hộ… sẵn sàng giúp đỡ Nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Theo kế hoạch, toàn huyện Phong Điền có 2.480 hộ/7.228 khẩu cần di dời sơ tán phòng tránh bão số 4, trong đó sơ tán tại chỗ đến các nhà kiên cố đảm bảo 2.223 hộ/6.373 khẩu; Di dời tập trung đến các khu vực tập trung kiên cố 257 hộ/885 khẩu. Trên cơ sở phương án, căn cứ diễn biến về tình hình bão, lũ. Các địa phương ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn; Đồng thời thực hiện trước mắt là các hộ ở các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở; khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,… Kết quả đã thực hiện di dời 2.484 hộ/7.239 khẩu đạt 100,16 % so với kế hoạch về số hộ và đạt 100,15% so với kế hoạch số khẩu, trong đó, di dời tập trung 217 hộ/611 khẩu; sơ tán 2.267 hộ/6.627 khẩu”.

Về dự trữ lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu, lực lượng, phương tiện phục vụ phòng chống bão. UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện mua và dự trữ cấp huyện về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng 250 thùng mỳ ăn liền, 60 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra. Đồng thời, đã tổ chức chuẩn bị đầy đủ lượng thực chủ động tại các thôn thường xuyên bị chia cắt và tại các địa điểm di dời tập trung ở các xã như: Trung Cọ Mẹ (xã Phong Hòa); Tân Bình, Vân trình (xã Phong Bình); Ma Nê, Phú Lộc (xã Phong Chương), Khu tái định cư Đồng Dạ (xã Điền Môn); Phe Tư, Tứ Chánh, Phổ Lại (xã Phong Sơn)...”.

                                                                             Tiến Dũng