Anh Lê Nguyên Thi, 43 tuổi, là cháu họ với Đại tướng Lê Đức Anh, người được giao nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cây cối, khuôn viên nhà văn hoá tiếp chúng tôi xúc động nói: “Được làm công việc trông coi khu nhà văn hoá Đại tướng là tâm niệm, ước vọng của không chỉ bản thân mà của cả gia đình, dòng tộc tôi. Ngày lại ngày được đón tiếp các đoàn khách đến viếng, tìm hiểu khu nhà, tôi càng hiểu và tự hào về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đại tướng, người con ưu tú của quê hương Xứ Truồi. Tôi tự hứa với lòng mình phải làm tốt hơn nữa công việc được giao”. Những ngày này, số lượng người đến với khu nhà văn hoá ở Bàn Môn rất đông, anh Thi cho biết thêm: “Đến với khu nhà văn hoá Đại tướng ở Bàn Môn có không ít cán bộ, học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước. Với nhiệm vụ của mình, phải gắng làm sao để mọi người khi về đây hiểu hết những nét dung dị, mộc mạc và thiêng liêng của Đại tướng và gia đình khi sống ở đây”.
Anh Lê Nguyên Thi, cháu họ Đại tướng Lê Đức Anh (người ngồi giữa), Giới thiệu về không gian của nhà văn hoá (Ảnh: Nguyễn Na)
Lật giở những dòng lưu niệm của những người đã từng đến thăm khu nhà văn hoá ở Bàn Môn, tôi thật sự xúc động trước tình cảm của họ đối với Đại tướng. Bạn Lê Quỳnh Mai, lớp K16 Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An xúc động viết: “Kính thưa Bác Đại tướng Lê Đức Anh! Được đến thăm ngôi nhà văn hoá của Bác, cháu vô cùng xúc động. Cháu biết được mỗi nơi Bác từng sống, chiến đấu, mỗi nẻo đường Bác đi qua đều để lại tình cảm thương yêu, trìu mến vô bờ của quân và dân cả nước. Đức độ và tài năng của Bác thế hệ chúng cháu nguyện mãi học tập suốt đời”.
“Chúng con đến đây, được tận mắt chứng kiện sự mộc mạc, giản dị của Đại tướng. Từ đáy lòng mình, chúng con đời đời nhớ ơn Đại tướng. Nguyện học tập và làm theo tấm gương Đại tướng” - nhóm học sinh Trường Quốc Học Huế bày tỏ cảm xúc.
Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, khi đến thăm nhà văn hoá cũng đã viết: “Đại tướng Lê Đức Anh, một cán bộ quân sự - chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, Quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy”.
Về Bàn Môn lần này, tôi thật may mắn khi được anh Lê Hữu Đức, 44 tuổi, cháu ruột của Đại tướng Lê Đức Anh cho biết địa chỉ và giới thiệu gặp được cụ Lê Thị Xoan, người em út trong số 9 anh em của Đại tướng Lê Đức Anh. Cụ Xoan năm nay đã 89 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Khi được hỏi những kỷ niệm về người anh, Đại tướng Lê Đức Anh, cụ xúc động nói: “Hồi nhỏ tui là em út nên rất được anh cưng chiều, anh thường bày cho tui nhiều trò chơi và luôn dạy em học chữ. Có món quà gì quý anh cũng nhường hết cho em. Tui nhớ nhất là hình ảnh anh cho tui ngồi trên vai chạy quanh sân mỗi khi tui hờn dỗi anh! Đến năm 17 tuổi, anh đi theo cách mạng, vào tận trong Lộc Ninh, Tây Ninh. Anh đi biền biệt nên anh em không gặp được nhau, cả chục năm bặt tin anh. Đến năm 1951, tui vô tình đọc được một bài trên Báo Nhân dân với tựa đề: “Đồng Tháp Mười đánh giặc” của tác giả Lê Đức Anh, lúc đó tôi tin anh tôi còn sống và tui báo để ba mạ mừng… Sau ngày giải phóng, anh em tui được gặp nhau nhiều. Mỗi lần gặp anh luôn dặn dò, động viên con cháu chăm học, chăm làm, xây dựng làng xóm quê hương giàu mạnh..”
Ông Lê Quý Mỹ, 95 năm tuổi đời, 75 tuổi Đảng, nguyên Bí thư huyện Phú Lộc tâm sự: “Mỗi lần Đại tướng về thăm quê, ông rất giản dị, thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê hương luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, ông rất thích uống nước chè Truồi và thưởng thức các món ăn được đánh bắt từ đầm phá Cầu Hai để nhớ về tuổi thơ…”
Cụ Lê Quý Mỹ, làng Bàn Môn kể về kỉ niệm những lần Đại tướng Lê Đức Anh về thăm quê.
Những ngày này, người dân làng Bàn Môn đang nô nức phấn khởi đón chào kỷ niệm lần thứ 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh. Băng rôn, cờ, biểu ngữ đón chào sự kiện trải dài từ trung tâm xã Lộc An đến tận các thôn, làng trên địa bàn. Trên mỗi con đường về Bàn Môn đều rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày sinh nhật Đại tướng. Người dân Bàn Môn tự hào về nơi đã từng ghi đậm dấu ấn tuổi niên thiếu của Đại tướng Lê Đức Anh.
Gặp tôi, ông Trần Đình Lai, cựu chiến binh làng Bàn Môn phấn khởi: “Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Đại tướng, lòng người càng thêm rạo rực. Ai cũng gấp rút thu vén công việc đồng áng, bếp núc để có thời gian hồi tưởng về những kỷ niệm của Đại tướng Lê Đức Anh. Thời gian có trôi đi, nhưng làng Bàn Môn, nhà văn hoá Đại tướng Lê Đức Anh vẫn luôn lưu giữ hình ảnh dung dị, mộc mạc của Đại tướng và gia đình”.
Cụ Lê Thị Xoan, người em gái của Đại tướng Lê Đức Anh xúc động kể lại những kỷ niệm về người anh trai (Ảnh: Bùi Hệ)
Chỉ còn ít ngày nữa thôi, đúng ngày đầu tiên của tháng 12 năm 2020 là tròn 100 năm ngày sinh nhật Đại tướng. Một mùa xuân mới sắp về. Ký ức những ngày tháng sống, chiến đấu của Đại tướng Lê Đức Anh và gia đình ở làng Bàn Môn lại trỗi dậy trong tôi. Có người lần đầu tiên, có người đã nhiều lần tới đây, trong họ đều trào dâng niềm tin yêu kính trọng, tự hào vô bờ về một vị tướng tài đức vẹn toàn của quân đội ta, một vị Chủ tịch Nước suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
TRẦN ĐÌNH THĂNG