87
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 06/12/2023 14:48
Đại tướng Lê Đức Anh - dấu ấn cách mạng từ quê hương đến dân tộc và quốc tế
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh với quá trình hoạt động cách mạng nhiệt thành đã để lại dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, của dân tộc Việt Nam và quốc tế. Từ một thanh niên giác ngộ lý tưởng, Người đã tôi luyện ý chí và tài năng, trở thành một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Người đã tham gia tích cực những hoạt động cách mạng tại quê hương Thừa Thiên Huế, đã có những đóng góp quan trọng trên các cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

Trưởng thành từ quê hương và khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc

Thừa Thiên Huế là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi gắn bó với sự hình thành và phát triển nhân cách, chí hướng cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và nơi đây tự hào đã sinh ra một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một cán bộ lãnh đạo nhiệt thành của Đảng và Nhà nước - Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học và quê hương giàu truyền thống cách mạng. Hai địa danh gắn bó với tuổi thiếu thời của Đại tướng Lê Đức Anh - Làng Trường Hà (huyện Phú Vang), Làng Bàn Môn (huyện Phú Lộc)[1] đều là những không gian văn hóa sục sôi tinh thần cách mạng. Ông nội là Lê Thảng - một sĩ phu yêu nước tham gia phong trào Cần Vương, thân phụ là Lê Quang Túy làm nghề thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Đại tướng Lê Đức Anh lớn lên trong cảnh quê hương bị chủ nghĩa thực dân đày đọa trong sưu thuế, đất nước mất độc lập, nhân dân mất tự do. Thấu hiểu với những khó khăn, lam lũ của người dân nghèo, với sự tiêu điều, xơ xác của quê hương, người thanh niên trẻ tuổi đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng tại quê hương. Năm 1938, khi mới 18 tuổi, Đại tướng Lê Đức Anh đã gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu quá trình hoạt động không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Hành trình giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh bắt nguồn từ lòng yêu thương và sự hy sinh to lớn của bố mẹ khi vượt qua mọi khó khăn để ông được đến trường học tập. Từ 5 tuổi, ông học chữ Nho tại nhà, lên 6 học chữ Quốc ngữ tại làng Dưỡng Mong và trường An Lương Đông. Đến năm 11 tuổi, ông được ra Vinh học hành, sau khi hết tiểu học ở Vinh, ông trở về quê hương. Năm 15 tuổi, ông làm gia sư, dạy chữ Quốc ngữ ở Dưỡng Mong sau đó chuyển lên Huế, và cũng trong khoảng thời gian này, ông tiếp xúc được với nhiều sách báo tiến bộ được lưu hành công khai như: Vấn đề dân cày, Đông Dương với vấn đề phòng thủ, Giá trị lao động, báo Nhành lúa, Lao động, Thời báo, Dân… Ngoài ra, những tài liệu về nước Nga Xô-viết mặc dù thực dân Pháp hết sức ngăn cấm nhưng ông vẫn được tiếp cận thông qua Lê Bá Dị. Ông còn đọc những tin bài về hoạt động của phong trào cộng sản quốc tế, về Đảng Xã hội Pháp, các sách của Mác, tiếp xúc và so sánh cương lĩnh của Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản Pháp về giải phóng thuộc địa. Cũng từ đây, Đại tướng Lê Đức Anh biết đến Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tìm hiểu về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc… Sau này, Người viết: “Với riêng tôi, đã bắt đầu có những nhận thức về chính trị - xã hội và cái niềm khát khao ban đầu còn mơ hồ thì nay đã rõ dần, là muốn làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ quê tôi đặng thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực”.

Đến năm 1937, Đại tướng Lê Đức Anh giác ngộ và chính thức tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Bước vào tuổi 17, với tinh thần nhiệt huyệt, Người thanh niên ưu tú được giao nhiệm vụ thực hiện “Cuộc vận động lấy yêu cầu”, cụ thể là vận động lấy chữ ký của nông dân các làng vào danh sách yêu cầu đối với thực dân Pháp về hai vấn đề “giảm thuế điền thổ” và “bỏ thuế thân”. Từ việc “lấy yêu cầu”, những hoạt động cách mạng có bước tiến mới, tiến lên giảm đi xâu, giảm sưu, giảm phu phen, lao dịch, đòi tự do, hòa bình.

Ngày đầu tiên của tháng 5 năm 1938, Đại tướng Lê Đức Anh, cùng với Huỳnh Văn Viết và Hồ Nguyên được đồng ý gia nhập vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Kể từ đây, Người thanh niên yêu nước đã có sự trưởng thành, sẵn sàng dấn thân đón nhận mọi sự hiểm nguy, bắt bớ, tra tấn, tù đày. Đến cuối năm 1939, trước tình hình vây bắt, khủng bố của thực dân Pháp tại Thừa Thiên, hệ thống cơ sở và phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề, bắt buộc phải rút vào hoạt động bí mật, Đại tướng Lê Đức Anh bí mật rời gia đình và quê hương để tiếp tục hoạt động và đến với tổ chức cách mạng.

Sau khi rời quê hương, Đại tướng Lê Đức Anh bí mật vào Hội An - Quảng Nam (1939), sau đó lên Đà Lạt (1940). Tại đây, ông ý thức được rằng “phải cố gắng học lấy một nghề, bởi có nghề ổn định mới kiếm sống và tiếp tục hoạt động cách mạng”. Ông vừa làm thuê chế biến thực phẩm, vừa đánh máy chữ để hoạt động cách mạng. Sau đó, ông về làm việc trong các đồn điền cao su Lộc Ninh để gây dựng phong trào cách mạng. Một điều thể hiện nhân cách, trí tuệ và óc tổ chức của Đại tướng Lê Đức Anh khi ông đã nối kết được quan hệ giữa thầy xu với cặp rằng, hình thành từ thầy xu đến phu đồn điền tinh thần dân tộc và sự tương trợ, chia sẻ, cảm thông, biết quan tâm đến nhau lúc lao động cực nhọc hay lúc ốm đau. Kiến thức về tổ chức Nghiệp đoàn thợ thuyền của Pháp được ông vận dụng vào Nghiệp đoàn cao su mang lại hiệu quả và được nhân rộng khắp đồn điền cao su Lộc Ninh.

Đến đầu năm 1943, Tỉnh ủy lâm thời (Ban Cán sự Đảng) tỉnh Thủ Đầu Một được tái lập, Đại tướng Lê Đức Anh được bổ sung vào Tỉnh ủy và được phân chỉ đạo phong trào Lộc Ninh và vùng phía Bắc. Tháng 2 năm 1944, chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Lộc Ninh, ông kiêm giữ chức Bí thư chi bộ, phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số, nhiệm vụ chính là gây dựng, phát triển lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng trong công nhân và nhân dân, chuẩn bị đón thời cơ phát động quần chúng công nhân và đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa.  

Những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Quân đội

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng Lê Đức Anh giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội: Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khoa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đại biểu Quốc hội các khoa VI, VIII và IX.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Lê Đức Anh là tấm gương của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng với những nhiệm vụ được giao. Với tinh thần cách mạng quyết đoán, dũng cảm, ông đã đóng góp cho sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tổ chức thực hiện thắng lợi các kế hoạch tác chiến chiến lược như Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 và Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, ông để lại dấu ấn quan trọng trong mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1987-1991), Đại tướng Lê Đức Anh cùng với Quân ủy Trung ương đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước, vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự của Đảng, từng bước xây dựng và củng cố toàn diện nền quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng được thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài viết “Những kỷ niệm nhỏ về đồng chí Lê Đức Anh” trong cuốn sách “Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước” năm 2007 khẳng định: “Ngần ấy thời gian biết anh Sáu Nam - Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc cùng ở cấp lãnh đạo đất nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm, một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước,... Công bằng mà đánh giá, không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh”[5].

Từ năm 1992, Đại tướng Lê Đức Anh được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bầu vào chức vụ Chủ tịch nước. Trên cương vị Chủ tịch nước, ông đã có nhiều đóng góp to lớn trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, phục hồi kinh tế, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đặc biệt, ông đã góp phần trong quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, nổi bật là quá trình xúc tiến bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang

Trong quá trình hoạt động cách mạng hơn 80 năm, Đại tướng Lê Đức Anh trải qua gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia với sứ mạng đánh bại quân Pol Pot, giải phóng Campuchia.

Sau chiến thắng 07/01/1979, Campuchia được giải phóng, thoát khỏi nạn diệt chủng, nhưng thời điểm này đất nước Chùa Tháp như một đống tro tàn, một “cánh đồng chết”, “thành phố ma”. Cùng với việc truy quét tàn quân Pol Pot, một nhiệm vụ cấp bách là khôi phục, xây dựng lại đất nước mà trước hết là bảo vệ, giúp đỡ nhân dân Campuchia vươn lên làm chủ, giành thắng lợi. Đại tướng Lê Đức Anh lúc bấy giờ là Tư lệnh Mặt trận 719 ra lệnh: “Toàn bộ lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia tích cực truy quét Khmer đỏ, đồng thời phải bảo vệ dân, “cứu đói - cứu đau” cho toàn bộ nhân dân Campuchia” với những hành động sẻ chia suất cơm, phần gạo, tấm áo, viên thuốc của bộ đội. Với khẩu hiệu đó, quân tình nguyện Việt Nam từ một đội quân chiến đấu trở thành đội quân vừa chiến đấu, vừa công tác, cùng dân tăng gia sản xuất, khắc phục nạn đói, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân Campuchia như với chính nhân dân mình. Cán bộ, chiến sĩ tình nguyện đã hồi sinh những “thành phố ma”, “cánh đồng chết”, khắc chế nạn nạn đói và dịch bệnh, cuộc sống người dân dần đi vào ổn định, kết quả “cứu đói - cứu đau” đã khiến người dân Campuchia thực sự tin vào bộ đội Việt Nam, tin vào Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia. 

Sau khi Khmer Đỏ rút chạy, người dân Campuchia rơi vào cảnh đói khát thiếu thốn, bần cùng, tình trạng cướp bóc, hãm hiếp, đời sống người dân không thể an yên. Đại tướng Lê Đức Anh ra chỉ thị: “Xây dựng kỷ cương xã hội Campuchia thật nhanh chóng là yêu cầu cấp thiết, tuyệt đối không để tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ, mất chính quyền xảy ra”[6]. Bên cạnh việc truy quét tàn quân Khmer đỏ, quân tình nguyện phải trực tiếp tham gia quản lý trật tự xã hội, và biện pháp quan trọng hàng đầu là: “Quân tình nguyện phải làm gương”. Với chủ trương đó, ông ra những chỉ thị rất nghiêm khắc, quyết liệt để thắt chặt kỷ luật quân đội, coi “kỷ luật dân vận” là “kỷ luật sắt chiến trường”. Người lính Việt Nam không được tơ hào dù cây kim sợi chỉ của dân, không được xâm hại đền chùa miếu mạo, tự do tín ngưỡng… Trong không thời gian ngắn đó, tình hình Campuchia đã đi vào ổn định, xã hội mới được hồi sinh, ổn định hơn đang dần định hình trên nền tro tàn, trên những cánh đồng chết.

Từ sau năm 1982, Khmer Đỏ thay đổi chiến thuật, xâm nhập sâu vào nội địa, tuyên bố “đưa chế độ Khmer dân chủ quay trở lại”. Với sự chống lưng của nước ngoài và các thế lực thù địch, chính phủ “ba phái” ra đời, tập hợp và tổ chức lực lượng tới 4 vạn quân, với đầy đủ vũ khí trang bị. Mục tiêu đầu tiên của Khmer Đỏ là lôi kéo nhân dân chống chính quyền, lôi kéo không được thì đe dọa, đe dọa không được thì khủng bố. Sau nhiều vụ việc thương tâm, nỗi lo sợ của người dân bao trùm khắp nơi. Lúc này, Tư lệnh Mặt trận 719 chỉ thị: “Bảo vệ tính mạng và an toàn của nhân dân bạn phải được đặt lên hàng đầu, như bảo vệ nhân dân mình”. Bộ đội tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh tấn công truy quét địch, củng cố an ninh khắp các địa bàn, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Ta càng đánh mạnh, càng mở rộng địa bàn, địch càng co cụm và bị đẩy sâu về các khu vực rừng núi phía tây. 

Sau một thập kỷ ròng rã vượt qua khó khăn để giúp bạn, khi bạn đã tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ đất nước, quân tình nguyện cùng chuyên gia Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, rút quân về nước. Chỉ thị quan trọng của Tư lệnh Mặt trận 719 khi đó: “Tất cả những gì tốt nhất, trừ trang bị vũ khí đều phải để lại cho bạn” - lương thực, quần áo, thuốc men, từng trang bị nhỏ nhất nơi doanh trại đóng quân đều được bàn giao cho chính quyền bạn. Các đơn vị bộ đội trước ngày rút quân vẫn khẩn trương giúp dân làm nhà, làm đường, đào kênh mương, và không đem bất kỳ một tài sản nào của Campuchia về nước. Ngày 29/6/1989, những đơn vị quân tình nguyện cuối cùng rút về nước, sau 10 năm gian khổ và vinh quang kể từ ngày đập tan chế độ diệt chủng. Chấp hành nghiêm túc các điều khoản của Hiệp định Paris về Campuchia, mối quan hệ giữa hai nước bước sang thời kỳ mới, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc.

Hơn 80 năm tham gia cách mạng, 30 năm chỉ huy chiến trường Nam Bộ và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, Đại tướng Lê Đức Anh thực sự là một nhà lãnh đạo tài năng, nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã làm rạng ngời khí phách, nhân cách con người Việt Nam nói chung và con người Thừa Thiên Huế nói riêng. Tấm gương của Chủ tịch nước và Đại tướng Lê Đức Anh sáng ngời cho lớp lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước nỗ lực, cống hiến dựng xây quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nguyễn Văn Quang