226
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 26/03/2018 15:32
Cửa ngõ phía Bắc Thành Huế mùa xuân 1975
Đêm 19 tháng 3 năm 1975, chúng tôi xuất quân với quyết tâm cao nhất và dự kiến bị thương vong có thể một nửa, nhưng phải đánh địch đóng ở cửa ngõ phía bắc thành phố. Đơn vị vượt qua nhiều tuyến phục kích của địch, đến 22 giờ 30 phút tiếp cận mục tiêu, trời tối và sương đêm dày đặc, không phát hiện mục tiêu, anh em hỏi, tôi ra lệnh: khi đèn sáng tôi bắn lên sẽ thấy 3 mục tiêu và tất cả cùng bắn. Ống đèn dù tịch thu được của địch, tôi bình tĩnh mở nắp lắp vào đuôi và lấy tay thỗ mạnh, một tiếng xẹt, vút cao, nổ tạch, sáng rực cả khu vực. Phương - Đội phó, Đạt, Qua, Tập bắn B40 vào phân chi khu Hương Sơ. Đồng chí Chấp đội trưởng chỉ huy bắn B41 vào lô cốt cầu An Hòa, tôi chính trị viên bắn M79 vào bót cảnh sát An Hòa. Trận đánh diễn ra 10 phút, địch bất ngờ tê liệt chống trả yếu ớt, ta không có thương vong, nhanh chóng rút quân về chân đồi 365.

Đêm 21 tháng 3 toàn đơn vị nghỉ để chuẩn bị đánh Phân chi khu Hương Hồ. Một tổ biệt động do tôi chỉ huy phối hợp với lực lượng  xã Hương Thái hỗ trợ cho Đại đội 2 tiểu đoàn 810 đánh vào Chi khu Hương Trà đóng ở Km9.

22 giờ Bộ đội tiếp cận đến đường sắt. 22 giờ 30 phút, 20 xạ thủ B40, B41 và 2 khẩu DKZ82 đồng loạt bắn vào Chi khu. Bị đánh phủ đầu, địch phản ứng yếu, về sau địch phản ứng mạnh hơn. Đường rút lui giữa An Đô Hạ và Liễu Cốc Thượng không đi được phải băng qua làng Quê Chữ và Phù Ổ, đồng chí Mai Xuân Lụa cán bộ xã và tôi dẫn đường. Đến đoạn đường ngang làng Phù Ổ gặp địch phục kích, chúng bắn rát vào đội hình. Tổ biệt động vòng ra bên trái bắn vào sườn đội hình địch, địch bỏ chạy. Xốc lại đội hình tiến lên kiểm tra trận địa, chúng tôi thu được một số chiến lợi phẩm, tìm thấy 5 đồng chí hy sinh, trong đó có đồng chí Hoàng cán bộ huyện mới bổ sung về xã Hương Thái, nhiều đồng chí bị thương, đồng chí Dũng đại đội trưởng bị thương nặng hy sinh phải mai táng dọc đường.

Thu gom súng đạn và liệt sỹ về một chỗ, lúc đó đã 3 giờ sáng, tình hình rất khẩn trương, chỉ còn lại 6 đồng chí, không thể nào đưa được toàn bộ liệt sỹ về phía sau. Chúng tôi đào huyệt chôn cất 5 liệt sỹ bên đường Cồn trước đình làng tôi. 9 giờ sáng về đến chỗ trú quân, gặp được đồng chí Lụa bị thương và một số đồng chí nằm bên bờ suối, máu me đầy người.

Căng thẳng nhất là các ngày 23,24 tháng 3, một trung đoàn địch bỏ tuyến khe trái về phòng thủ từ Hòn Vượng qua dốc Dẽ về đồi 365, một đồi cao khống chế toàn bộ khu vực án ngữ phía Tây Huế. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ đánh chiếm giữ chốt 365. Cuộc chiến đấu ở đây rất ác liệt, pháo của địch bắn như trút hết đạn. Đến 12 giờ trưa, địch rút chạy, ta truy kích, vấp mìn địch, 2 đồng chí hy sinh.

Điện cấp trên thông báo địch đang rối loạn, bỏ một số tuyến phòng thủ quan trọng, tất cả các đơn vị “thừa thắng xông lên giành thắng lợi cao nhất”. Tình hình đó đặt ra cho đơn vị 2 nhiệm vụ: một là giữ tuyến hành lang dẫn đại quân đánh vào Huế; 2 là nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ đánh thọc sâu vào Huế. Xong cuộc họp, đơn vị tổ chức ngay một đội hình phối hợp với xã Hương Mai do đồng chí Nguyễn Thị Lành làm Bí thư, xã Hương Bình do đồng chí Hồ Xuân Sẹo tiếp cận về cơ sở tại thôn Long Hồ. Cơ sở cho biết chiều nay địch về đây rất đông, chúng đang đóng quân từ trụ sở xã Hương Hồ về đến Cầu Bạch Hổ với rất nhiều loại lính, tình hình quân địch ở Huế bắt đầu hỗn loạn…

Đồng chí Chấp chỉ huy đơn vị cho liên lạc về báo cáo với đồng chí Thái Long - Thành ủy viên và tôi. Một cuộc hội ý khẩn trương và thống nhất lệnh cho tất cả đơn vị hành quân, trừ thương binh được ở lại. Tôi về đến Long Hồ kiểm tra lại tình hình và xin ý kiến đồng chí Thái Long. Tôi cùng Hoài Sinh và Anh Tuấn - 3 chiến sĩ biệt động lấy xe honda của cơ sở, nổ máy chạy thẳng từ Văn Thánh qua Thiên Mụ và Kim Long về cầu Trường Tiền. Trên đường đi, xe chúng tôi pha đèn sáng và quan sát thấy lính ngụy đóng ở Văn Thánh rất đông.

Tôi ra lệnh cứ thẳng tiến và khi đến gần, họ thấy 3 chúng tôi mặc quần áo rằn ri, súng AK thủ pháo, riêng tôi mang súng K54 và M79. Gặp một toán lính đông, tôi lệnh dừng lại, cả toán súng xúm quanh 3 chúng tôi và nói giọng nhỏ nhẹ: “Thưa các anh, cho em nộp súng xin hàng”, có người nói tiếng Quảng, có người nói tiếng Huế. Quả thật lúc đó tôi hơi lúng túng, mình chỉ có 3 người, trong lúc hơn một trung đoàn ngụy mới đánh nhau lúc chiều, bây giờ lại xúm quanh mình. Một lát, tôi bình tĩnh trả lời dứt khoát “Anh em yên tâm, ngày mai đem vũ khí nộp cho quân giải phóng, chúng tôi ghi nhận sự đầu hàng của các anh. Bây giờ nhiệm vụ của chúng tôi là vào Huế”. Tiến thẳng về cầu Trường Tiền, lúc ấy phố xá vắng tênh, tôi đi về rạp chiếu bóng Tân Tân (bây giờ là rạp Đông Ba), cạnh đó mấy nhà, tôi gặp được lực lượng nội thành.

Anh em nội thành đón tiếp chúng tôi trong niềm vui khôn tả. Tôi tranh thủ nắm tình hình, qua tiểu khu Thừa Thiên, gặp một số anh em thanh niên mặc thường phục đang đứng bên cạnh mấy chiếc xe GMC, họ đang làm gì tôi chưa rõ. Tôi hỏi ai lái xe được, họ đồng thanh “Dạ em! Dạ em!”. Tôi ra lệnh: “Lên xe theo tôi”. Họ chấp hành nghiêm túc, lên xe nổ máy chạy qua cầu Trường Tiền. Tôi ở lại với anh em nội thành bàn chuyện làm chủ thành phố ngày mai và giao cho Hoài Sinh, Anh Tuấn dẫn 2 chiếc ô tô lên Long Hồ chở toàn bộ đơn vị về Huế.

Toàn đơn vị biệt động về hợp điểm tại 47 Trần Hưng Đạo, trước mặt là ngã ba cầu Trường Tiền, một chiếc xe M48  của địch đang cháy, chúng tôi bàn nhiệm vụ giữ phố Trần Hưng Đạo, đường Phan Bội Châu, đường Huỳnh Thúc Kháng và chuẩn bị đánh địch phản kích. Đêm ấy, chúng tôi thức trắng. Tàn quân địch dồn về Kim Long rất nhiều, trong Thành Nội chưa nắm được tình hình diễn ra như thế nào cũng như chưa hình dung, nhưng cứ chuẩn bị đánh phản kích như hồi Xuân 68. Nhiệm vụ trước mắt là liên lạc với bộ đội và đón bộ đội vào. Chúng tôi bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Thọ Hường, Tỉnh ủy viên, đồng chí Hoàng Thế Đoàn, đồng chí Trần Thị Lành về bám trụ ở Thanh Lương và đón bộ đội vào và chiếm lĩnh toàn bộ cánh bắc Huế. Bên bờ nam, sáng ngày 26 tháng 3 rải rác có bộ đội đi lại, càng về sau càng đông hơn; đó là Trung đoàn 6 Phú Xuân. Trước đó, Quân đoàn 2 chủ lực tập trung đánh chiếm Thuận An, nơi địch co cụm gần 10.000 quân các loại.

Tiếng pháo 130 ly của ta từ Tam Dần, Bình Điền vút bay trên bầu trời Huế, xe tăng T54 của binh đoàn Hương Giang chạy rung chuyển phố phường, tiến về Thuận An, súng nổ liên tục, từ tờ mờ sáng cho đến trưa, Quân ta đã đánh chiếm toàn bộ Cửa Thuận An và giải giáp tất cả tù binh. Lúc này, việc đầu tiên là tuyên truyền, giải thích cho những hàng bình thất trận yên tâm về với gia đình.

Đoàn quân thất trận với nhiều sắc màu áo lính như Nhảy dù, Biệt động quân, Thủy quân lục chiến, Hắc báo, Thiết kỵ,…làm cho họ có một bề ngoài rất “oai”. Nhưng trưa ngày 26 tháng 3 năm 1975, trong thế cùng đường, họ vứt bỏ tất cả và trở về, tay xách túi bao cát, đầu trần, chân không giày dép, nét mặt vừa mừng vừa sợ. Đoàn quân thất trận ấy dài lắm và kéo về mãi, về mãi. Họ về với quê hương, về với gia đình và về với ngày vui trong mùa xuân đại thắng. Mùa xuân đại thắng của nhân dân Việt Nam, của cả loài người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói trong mùa xuân năm ấy.

Ghi chú:

1. Phân chi khu Hương Sơ lúc đó đóng ở gần cầu An Hòa.

2. Bót cảnh sát An Hòa đóng ở Ngã ba đường Tăng Bạt Hổ và Lê Duẩn (hiện nay).

3. Chi khu Hương Trà trước 1975 đóng tại Km9 từ Huế ra, nay là Nhà máy gạch Tuynen.

 

                                   Nguyễn Huy Ngọc

Nguyên Chính trị viên đơn vị Biệt động Cánh Bắc Thành phố Huế

                 Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy