Hỗ trợ có “địa chỉ”
Hồng Vân là một trong những địa phương có số lượng đối tượng nghèo lớn nhất của huyện A Lưới, toàn xã có 441 hộ nghèo trên tổng số 781 hộ (chiếm 56,46%), cao nhất tỉnh. Các tiêu chí về hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều ở xã này đạt thấp như tiêu chí thu nhập, thiếu nước sinh hoạt, nhà vệ sinh và thiếu đất, kiến thức sản xuất. Vì vậy, lồng ghép các chương trình để chăm lo đời sống mọi mặt cho các đối tượng nghèo là một trong các nhiệm vụ được cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, thuộc BĐBP Thừa Thiên Huế quan tâm thực hiện.
Khác với trước đây, các mô hình kinh tế được làm điểm rồi nhân rộng ra toàn xã, thì nay, hằng năm Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân chọn một số hộ để tập trung nguồn lực giúp đỡ về phương tiện, tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ông Lê Thanh Quầy, ở thôn A Hố (Hồng Vân) - hộ được hỗ trợ mô hình nuôi dê thương phẩm chia sẻ: Ngoài hỗ trợ dê giống, Đồn còn hướng dẫn cho gia đình tôi kỹ thuật nuôi dê như thiết kế, xây dựng chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn, chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho dê nên đàn dê phát triển tốt, cho thu nhập khá cao…
Thượng tá Nguyễn Văn Nga - Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết: Địa bàn đơn vị quản lý gồm 3 xã Hồng Trung, Hồng Vân và Hồng Thủy, đều là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện A Lưới. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, trong năm 2017, đơn vị chọn 10 hộ nghèo trên địa bàn xã Hồng Vân để phối hợp thực hiện hỗ trợ thoát nghèo. Đơn vị cũng đã chọn một số mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất để hỗ trợ cho bà con, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để các hộ nghèo phát triển kinh tế đạt hiệu quả. Cùng với hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và các điều kiện phát triển sản xuất, đơn vị có kế hoạch tiếp cận, tranh thủ các chương trình hỗ trợ về nước sạch, hố xí hợp vệ sinh, các dịch vụ y tế, chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm… để thiết thực giúp đỡ bà con thoát nghèo bền vững.
Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp hỗ trợ dê giống cho các hộ nghèo xã Hồng Vân.
Động viên ý chí thoát nghèo cho bà con
Triển khai các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ đối với các hộ nghèo ở tuyến biên giới A Lưới theo chuẩn nghèo đa chiều, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện một cách phù hợp, đảm bảo hiệu quả và có lộ trình cụ thể; kết hợp chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, thế mạnh của từng đơn vị, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch do UBND tỉnh đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Để có giải pháp hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các xã biên giới, Ban Chỉ huy các đồn biên phòng trên địa bàn huyện A Lưới thường xuyên tiến hành làm việc với UBND các xã nhằm thống nhất nội dung cụ thể trong công tác giảm nghèo phù hợp với thực tế địa phương; thường xuyên khảo sát các hộ nghèo, cận nghèo, xác định rõ nguyên nhân và nhu cầu của các hộ nghèo để có giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020, với chỉ tiêu mỗi xã giảm hộ nghèo 4%/năm. Qua khảo sát, các đơn vị tiến hành kết hợp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đồng thời, vận động quyên góp các nguồn lực hỗ trợ cho bà con về nhà ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh và các dịch vụ xã hội cơ bản khác…
Đại tá Vũ Văn Uy - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cho biết: Từ các nguyên nhân nghèo đa chiều, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy tập trung hỗ trợ về phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện của đồng bào, khảo sát về nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh để có kế hoạch hỗ trợ xây dựng cho các hộ nghèo. Đồng thời, chỉ đạo các cán bộ tăng cường xã tập trung tham mưu cho chính quyền địa phương lồng ghép kế hoạch giảm nghèo vào kế hoạch phát triển kinh kế - xã hội, chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng nghèo.
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Uy, sự chia sẻ giúp đỡ của các ban, ngành và cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng vai trò của cán bộ vận động quần chúng là rất quan trọng. Người nghèo cần có sự hỗ trợ trong việc cung cấp thông tin và giáo dục nâng cao nhận thức, động viên ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo của chính hộ nghèo. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh chủ trương tăng cường công tác vận đông quần chúng nhằm tạo động lực để người nghèo khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng xã hội...
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường nhận định: Việc học nghề và tìm kiếm việc làm cho người nghèo là giải pháp mang tính căn cơ, bởi thực tế đa số các hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập đều do thiếu đất sản xuất và thiếu việc làm. Do đó, cán bộ vận động quần chúng các đồn biên phòng đã tập trung định hướng tốt cho bà con học các ngành nghề đáp ứng được nhu cầu, phù hợp với các cơ sở sản xuất, chế biến tại địa phương… Việc này đã góp phần quan trọng thực hiện đúng mục tiêu của đào tạo nghề là tăng khả năng tìm được việc làm cho người nghèo. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, tạo điều kiện cho người nghèo mở hướng làm ăn mới để từng bước thoát nghèo bền vững.
Bá Trí