709
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 19/11/2019 11:12
Chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa
Theo báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hiệp quốc, tại Việt Nam, mỗi năm, người dân sử dụng, thải ra môi trường và đốt khoảng hơn 30 tỷ tấn rác thải nhựa, túi nilon. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới. Ðây là con số rất đáng báo động, vì việc đốt rác thải nhựa sẽ thải ra chất độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể con người.
Ký cam kết lộ trình triển khai các hoạt động thực hiện phong trào nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa một lần của đại diện các Siêu thị

Ðối với địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, các sản phẩm từ nhựa, như: Vỏ hộp nhựa, túi nilon, chai nhựa,... vẫn đang được sử dụng thường xuyên. Hiện nay, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường từ các cơ quan, đơn vị, trường học và khối dân cư ngày càng tăng, đang là mối lo ngại của toàn xã hội.

Với quan điểm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương, đất nước. Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn chú trọng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng, kiến tạo hạ tầng, cây xanh, bãi cỏ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, nạo vét kênh mương, vệ sinh môi trường; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,... Qua đó, hình thành các phong trào thi đua sôi nổi, lan toả sâu rộng tại các địa phương, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mở Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch, không rác thải, trong thời gian qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: ra mắt đội hình thanh niên tình nguyện tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị; ra quân làm vệ sinh môi trường trên và dọc hai bờ sông Hương; tổ chức đội hình tuyên truyền và lập lại trật tự nếp sống văn minh đô thị tại một số tuyến đường chính ở thành phố Huế; tổ chức trồng cây xanh dọc QL1A từ Huế về sân bay Phú Bài… Với phương châm “Mỗi cá nhân, hộ gia đình một việc làm; mỗi tổ dân phố, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp một công trình, phần việc để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạch - sáng”, "thêm một người nhặt rác, bớt một người xả rác", "nhặt một cọng rác, bạn sẽ làm cho Huế sạch hơn", tổ chức Hội nghị phát động phong trào Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần cho đối tượng là các Siêu thị, Trung tâm thương mại, Ban Quản lý và các tiểu thương kinh doanh các chợ trên địa bàn; ký cam kết với 3 đơn vị: Vinmart, Big C, Co.opmart về lộ trình hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy, đến năm 2020 sử dụng các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường; phối hợp với Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh Huế, Báo Thừa Thiên Huế lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phát động thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” vào các chuyên mục “Môi trường và Cuộc sống”; hướng đến mục tiêu 100% tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thay đổi nhận thức về việc bảo vệ môi trường; đảm bảo vệ sinh môi trường, không có hành vi ô nhiễm môi trường. Phấn đấu đạt 80% người dân có những hành động bảo vệ môi trường, thực hiện ít nhất 1 việc làm tham gia Ngày Chủ nhật xanh; hằng năm trồng mới 100.000 cây xanh; mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất một vườn hoa, đường hoa; mỗi tổ chức mặt trận và các đoàn thể cấp xã đảm nhiệm thực hiện một tuyến đường “Sáng - xanh- sạch- đẹp - trật tự trị an”…

Bên cạnh đó, xây dựng một số mô hình điểm nhằm nhân rộng trên toàn tỉnh, như xây dựng mô hình “không xả rác” ở các nhà hàng, điểm tham quan, du lịch, công viên…

Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần" triển khai thường xuyên, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, phong trào đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân; được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc chủ động, sáng tạo và quyết tâm hành động mạnh mẽ để thúc đẩy thực hiện phong trào, làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, người dân và doanh nghiệp toàn tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường.

Thực phẩm gói trong lá chuối tại siêu thị Coopmart Huế được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp; đưa phong trào “Chống rác thải nhựa” đi vào chiều sâu bằng các giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực; ngày 08/11/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 8448/UBND-CT về đẩy mạnh hành động thực hiện phong trào này, trong đó, cần tập trung triển khai một số hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức đoàn thể, đơn vị sự nghiệp thực hiện, tạo điều kiện và vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không sử dụng túi ni lông và vật dụng bằng nhựa sử dụng 01 lần trong sinh hoạt, hoạt động của cơ quan, đơn vị.

- Nghiên cứu triển khai các giải pháp sử dụng vật liệu thay thế sản phẩm ni lông, nhựa sử dụng một lần, các vật liệu cấm, hạn chế sử dụng.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu đô thị, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn... không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần.

- Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường phản ánh các địa phương, tổ chức, cá nhân không có hành động tích cực, cụ thể tham gia bảo vệ môi trường; thiếu ý thức, trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong tham gia các phong trào, hoạt động nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng 01 lần trên địa bàn tỉnh.

Hy vọng rằng, với sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, phong trào "Chống rác thải nhựa” sẽ đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng khắp, nâng cao ý thức của cộng đồng để làm cho Thừa Thiên Huế sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần vì một Việt Nam xanh, vì Trái đất xanh.

Bảo Long