6227
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 05/12/2019 09:17
Chủ trương đúng, hợp lòng dân
Nằm ở phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa mà huyền thoại với bao kỳ tích anh hùng, xã Phong Hòa là một xã đồng bằng, cách trung tâm huyện Phong điền 10km, trải dài theo Quốc lộ 49B. Toàn xã có 12 thôn, với diện tích tự nhiên trên 3.457ha, dân số trên 10.000 người, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đang trên đà phát triển.
Người dân Phong Hòa hiến đất mở đường

Về Phong Hòa, được đi trên những tuyến đường bê tông rộng mở, trải dài đến từng thôn, từng xóm, ngắm những ngôi nhà ngói đỏ, những hàng cây ven đường xen lẫn những bông hoa đủ sắc màu, tạo nên một không gian xanh, sạch, đẹp và thân thiện. Các công trình phúc lợi như: y tế được đầu tư xây dựng mới và trang thiết bị đảm bảo cho công tác khám và điều trị bệnh ban đầu cho nhân dân; nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng khang trang, kiên cố; khuôn viên các ngôi chợ được chỉnh trang sạch đẹp và hàng hóa đa dạng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân trong vùng. Môi trường nông thôn được bảo vệ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã luôn được bảo đảm. Diện mạo nông thôn đổi thay, tình làng nghĩa xóm bền chặt; người dân có ý thức gìn giữ, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa.

Là một xã thuần nông nên công việc đồng áng rất được chính quyền quan tâm, việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, tạo ra hiệu suất cao, đảm bảo mức thu nhập ổn định trong cuộc sống cho mỗi người dân; các mô hình trang trại trên những vùng cát trắng đã phát huy hiệu quả… Thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt 14 triệu đồng/người/năm; năm 2019 đạt 38 triệu đồng/người/năm (tăng 2,7 lần so năm 2011);  số hộ nghèo năm sau giảm hơn năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 281 hộ (tỷ lệ 15%), đến nay chỉ còn 109 hộ (tỷ lệ 4,9%).

Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, ông Nguyễn Khoa Lai ở thôn Niêm cho hay: Từ khi xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới cho đến nay, làng quê luôn đổi thay, cuộc sống được cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần, con cháu được học hành đến nơi đến chốn, đường sá đi lại thông thoáng, đêm về mọi ngã đường, ngõ xóm đều có điện chiếu sáng… Một chủ trương đúng, hợp lòng dân thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẵn sàng cùng chính quyền xây dựng…”.

Qua hơn 8 năm xây dựng nông thôn mới, trải qua những khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động nội lực là chính, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp chính quyền”, từ đó xây dựng bước đi có lộ trình, vừa đảm bảo tính khẩn trương, đồng bộ, vừa đảm bảo ổn định, bền vững phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Phong Hòa đã và đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bà con nhân dân và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Xã đã huy động được các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chỉnh trang công trình phúc lợi với số tiền trên 120 tỷ đồng; trong đó, ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện, xã là trên 98 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng và các nguồn thu khác từ doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội gần 15 tỷ đồng. 

Ông Đoàn Văn Quốc - Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Phong Hòa cho biết: “Hiện nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, chính quyền địa phương ghi nhận và trân trọng nhân dân trong toàn xã đã sát cánh, chung sức, đồng lòng để xã được công nhận Đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương mong muốn nhân dân trong toàn xã sẽ tiếp tục hợp lực cùng xã phấn đấu sớm trở thành xã nông thôn mới nâng cao…”.

Về đích xây dựng nông thôn mới là niềm tự hào, và là lời tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phong hòa đối với lớp người đi trước.

 Nguyễn Khoa Huy