Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến hiện trường một số di tích ở Nội thành như: Bảo tàng cách mạng, Đàn Xã Tắc, khu số 2 Đoàn Thị Điểm và 50 Nguyễn Chí Diễu, Văn Thánh, Võ Thánh, Hồ Quyền - Voi Ré và lăng Gia Long…
Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, hệ thống di sản, di tích của Huế là rất lớn, đây chính là tiềm năng cho phát triển du lịch; nhìn tổng thể, tỉnh vẫn còn lúng túng giữa bảo tồn và phát triển, chưa có sự liên kết và gắn kết giữa các vùng di sản cũng như địa phương trong vùng để phát huy giá trị của di sản cho phát triển du lịch... Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà các ngành, địa phương, nhất là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đạt được trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản thời gian qua.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và ngành Giao thông nghiên cứu việc đi lại tại các di tích để tạo điều kiện phát triển du lịch.
Nêu lên những vấn đề cần được giải quyết như: cơ chế đặc thù và chính sách cho di sản Huế; nguồn lực tài chính để bảo vệ và phát huy di sản; mô hình quản lý di sản Huế hiện nay. Nhất là về quy hoạch lại khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản Huế; giải tỏa dân cư và quy hoạch lại dân cư ở khu vực Kinh thành Huế; công tác kiểm kê và bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của Huế. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ cần phối hợp với các Bộ, ngành trong việc nghiên cứu về cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết tốt những vấn đề nêu trên, đặc biệt là giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc nghiên cứu về cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm giải quyết được vấn đề quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế. Đối với các dự án đang vướng phải giải phóng mặt bằng, cần nghiên cứu để có phương án tối ưu, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm ổn định đời sống cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các sở, ngành, địa phương nghiên cứu quy hoạch toàn bộ khu vực lăng Gia Long.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành Giao thông tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, mở rộng đường đến các di tích tạo điều kiện phát triển du lịch. Nghiên cứu cơ chế cho giao thông ở nội thành, có thể hạn chế phương tiện trên một số tuyến. Quan tâm đầu tư hệ thống giao thông tĩnh, nhất là bãi đỗ xe ở các di tích.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 7 di sản văn hóa đã được UNESCO vinh danh; có 87 di tích cấp quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở các điều luật và các văn bản của Bộ, ngành, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các quy hoạch, đề án, quyết định nhằm triển khai, thực hiện và cụ thể hóa các nội dung để tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hóa nhằm đảm bảo cho việc giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Sông Hương