839
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 07/06/2021 10:30
Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay
Trải qua 80 năm kể từ ngày 6/6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Kính cáo đồng bào” kêu gọi toàn dân đoàn kết thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc và viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” gửi riêng cho những người cao tuổi. Trong đó, Người nhấn mạnh:“Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề … Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui”. Ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 772/QĐ-TTg, lấy ngày 06/6 hằng năm là “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam”. Đây là dịp để người cao tuổi Việt Nam ôn lại truyền thống hào hùng cũng như những đóng góp của người cao tuổi đối với quê hương, đất nước, từ đó tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao tặng cho người cao tuổi “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Lễ phát động Tháng hành động vì Người cao tuổi năm 2020 (ảnh chụp ngày 02/10/2020 tại Phong Điền)

Huy động các nguồn lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có 153.049 người cao tuổi, chiếm 13,56% dân số toàn tỉnh, trong đó có 65.405 người cao tuổi đang hưởng chính sách người có công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chế độ bảo trợ xã hội tại cộng đồng, 87.644 người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, đang phải lao động để kiếm sống hoặc sống phụ thuộc vào con cháu.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước nói chung, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh nói riêng luôn quan tâm, chăm lo và phát huy vai trò của người cao tuổi. Công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực tham gia chăm sóc người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có công với cách mạng, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn cũng như việc xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người cao tuổi trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện kịp thời, nghiêm túc và đảm bảo theo quy định.

Toàn tỉnh đã thành lập được 14 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, 135 câu lạc bộ dưỡng sinh, 410 câu lạc bộ với các loại hình sinh hoạt như thơ, bóng chuyền, bơi, cây cảnh…, góp phần chăm sóc đời sống tinh thần người cao tuổi. Công tác chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi được tổ chức chu đáo, đảm bảo theo quy định. Hằng năm, nhân dịp Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10), Tháng hành động vì người cao tuổi và Tết Nguyên đán, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp thường tổ chức vận động, trao quà cho người cao tuổi, tổ chức các hội thi, hội diễn, hội thảo,... giúp người cao tuổi được gặp gỡ, giao lưu; đồng thời, tham gia vào nhiều công tác xã hội ở địa phương, sống mẫu mực là tấm gương cho con cháu noi theo.

Hội thao Người cao tuổi Thành phố Huế lần thứ XIX - 2020 (ảnh chụp ngày 09/10/2020 tại thành phố Huế)

Việc thành lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến nay, đã có 10 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thanh lập Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Ngoài ra, Ban đại diện Hội Người cao tuổi ở nhiều địa phương đã thành lập quỹ tương trợ, giúp đỡ hội viên người cao tuổi từ nguồn quyên góp, ủng hộ, đóng góp của hội viên cũng như các cá nhân, tổ chức khác nhằm hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi.

Công tác chăm sóc, khám, chữa bệnh cho người cao tuổi ngày càng được chú trọng. Hầu hết người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo,... đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước và số người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ không ngừng tăng lên. Ngành Y tế triển khai các khoa chuyên về lĩnh vực lão khoa và thực hiện Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người cao tuổi.

Những năm gần đây, việc xây dựng các công trình công cộng đã chú trọng xem xét đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người cao tuổi. Người cao tuổi khi sử dụng một số dịch vụ, tham quan, du lịch… được giảm giá vé, được ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với ban đại diện hội người cao tuổi các cấp trong việc vận động gia đình và xã hội chăm sóc, bồi dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi trong xây dựng, bảo vệ quê hương và tham gia việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi.

Phát huy vai trò đóng góp tích cực của người cao tuổi trong xã hội

Người cao tuổi trên địa bàn tỉnh được xác định có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Người cao tuổi là lực lượng nòng cốt trong kết nối các dân tộc, tôn giáo; trong tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng, thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, quan liêu, các tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn ở địa bàn khu dân cư. Hội viên người cao tuổi tích cực tham các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương như phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng”, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bên cạnh đó, vai trò người cao tuổi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp được phát huy và đã có 1.417 gương người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương cấp tỉnh về người cao tuổi sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2017. Đồng thời, người cao tuổi là một trong những lực lượng nòng cốt, gương mẫu, nhiệt tình tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học tại từng địa phương, đơn vị và là người truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, nghề truyền thống cho con cháu, thế hệ trẻ hiện nay với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong nghề kim hoàn, mộc mỹ nghệ, diều nghệ thuật, đúc đồng,... Đặc biệt, trong thời gian gần đây, người cao tuổi đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền và góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa Xv và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; hăng hái tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định nhiệm vụ: “Quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy uy tín, vai trò của người cao tuổi trong xã hội và gia đình”. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên không chỉ là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của tổ chức hội người cao tuổi các cấp nhằm góp phần phát triển Thừa Thiên Huế nhanh, bền vững và đậm đà bản sắc trong giai đoạn tới.

Hà Lam