Hết lòng vì dân nghèo
Chị Phan Thị Nhung, ở thôn Lương Điền Thượng đến bây giờ không thể nào quên về những việc làm của Bí thư Hồ Thị Nhung đã giúp đỡ mình vươn lên thoát nghèo. Trước năm 2018, gia đình chị là hộ nghèo nhất của thôn, do hoàn cảnh neo đơn, lại nuôi thêm người chị bệnh tật. Với trách nhiệm của mình, Bí thư Nhung tích cực kêu gọi vận động các nguồn lực, các nguồn hỗ trợ giúp đỡ hộ chị Phan Thị Nhung xây dựng mái ấm tình thương trị giá 65 triệu đồng. Sau khi có chỗ ở ổn định, Bí thư Nhung tiếp tục bàn bạc với Chi hội Phụ nữ và Chi hội Nông dân thôn vận dụng các chương trình hỗ trợ chị Phan Thị Nhung nguồn giống cây ăn quả, tập huấn quy trình trồng trọt để phát triển kinh tế vườn đồi, góp phần cải thiện thu nhập...
Từ một hộ nghèo nhất thôn, sau hơn hai năm được Bí thư Nhung tận tình giúp đỡ, gia đình chị Phan Thị Nhung đã từng bước vươn lên. “Nếu không được sự giúp đỡ xây nhà tình thương và hỗ trợ sinh kế, e rằng tôi không thể nào thoát được cái nghèo...” - chị Phan Thị Nhung bộc bạch.
Nhờ sâu sát với đời sống người dân, nên nhiều gia đình khó khăn ở đây đã được hỗ trợ kịp thời từ các nguồn vận động, nguồn quỹ vì người nghèo để vươn lên trong cuộc sống. Gia đình anh Huỳnh Giáp ở trong thôn cũng là hộ như thế. Đầu năm 2020, gia đình anh vẫn còn là hộ nghèo. Bí thư Nhung tích cực vận động anh tham gia lớp tập huấn phát triển chăn nuôi, rồi từ nguồn quỹ vì người nghèo, anh Giáp được vay 10 triệu đồng mua heo giống, gà giống. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh hình thành từ đó. Ngoài phát triển chăn nuôi, Bí thư Nhung vận động các hộ làm nghề khai thác thủy hải sản trên biển và đầm phá nhận anh Giáp làm công đi khai thác để anh có thêm thu nhập. “Không chỉ hộ trợ phát triển chăn nuôi, được nhận làm nghề đi biển, chị Nhung còn giúp cho gia đình tôi được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương. Nhờ vậy, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định” - anh Giáp phấn khởi nói.
Đi đầu trong công tác vận động
Chị Hồ Thị Nhung tâm sự: Cán bộ đảng viên phải là người xung kích trong công tác vận động quần chúng, phải làm sao cho chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trở thành phong trào của quần chúng trên địa bàn dân cư. Miệng nói tay làm, chị luôn trăn trở, kiên trì tìm kiếm giải pháp và thuyết phục cho người dân hiểu, tham gia phát triển các mô hình kinh tế, các chủ trương chuyển đổi sản xuất, vận động các nguồn quỹ, ngày công xây dựng bộ mặt nông thôn nơi mình đảm trách vai trò lãnh đạo.
Sau khi có kế hoạch của Đảng ủy xã Lộc Điền về triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch - không rác thải”, với vai trò là Bí thư chi bộ, chị Nhung đã họp cấp ủy thống nhất thành lập Ban vận động thực hiện gồm 5 thành viên. Trước tiên thực hiện tiêu chí “Sáng” với chương trình “Thắp sáng đường quê” ở 3 cụm dân cư làm điểm.
Ban vận động thôn tổ chức họp từng cụm dân cư triển khai chương trình, chỉ đạo ban công tác mặt trận, các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình. Bằng nguồn lực tự đóng góp và kêu gọi con em, người thân đi làm ăn xa hỗ trợ. Đến nay, đã có 6/8 cụm dân cư của thôn đã hoàn thành những tuyến điện thắp sáng đưa vào sử dụng với chiều dài 3,4km, xây dựng thêm 1km đường điện chiếu sáng trên tuyến đường liên xã. Tổng kinh phí đóng góp gần 110 triệu đồng, đem lại ánh sáng gần như bao phủ toàn thôn, tạo nên bộ mặt khang trang cho các tuyến đường. Đồng thời, các trụ điện thắp sáng đã gom hệ thống dây điện dân sinh đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cho nhân dân trong thôn.
Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, ông Hoàng Sa thông tin thêm: Để xây dựng các cụm dân cư xanh - sạch - đẹp, chị Nhung cùng cấp ủy chi bộ phân công mỗi đoàn thể thực hiện cùng với 1 cụm dân cư trên địa bàn thôn, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên, hội viên và người dân về Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, vận đông mọi người dân thực hiện chương trình “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ” vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Kể từ khi triển khai, thôn Lương Điền Thượng đã trồng hoa làm đẹp 4 tuyến đường kiệt dài hơn 900m, huy động nhân dân đóng góp xây dựng được 8 điểm tập kết rác để bà con bỏ rác đúng nơi quy định.
Qua nguồn vận động xã hội hóa, Ban vận động thôn đã huy động được nguồn quỹ xây dựng sân và mái che nhà văn hóa, tu sửa làm khang trang thêm hội trường thôn, được Nhân dân trong thôn đồng tình ủng hộ. Hiệu quả của các phong trào trên địa bàn thôn trong thời gian qua đã tập hợp được mọi lực lượng, phát huy nội lực, trong đó mô hình con heo đất ở Chi hội Phụ nữ thôn đã tiết kiệm được hằng trăm triệu đồng giúp chị em có nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.
“Là một Bí thư Chi bộ trẻ, sinh năm 1988, nhưng chị Nhung có khả năng vận động vượt trội, có những việc tưởng chừng rất khó, nhưng do dân vận “khéo”, hợp lòng dân, chị đã góp phần cùng địa phương giải quyết hiệu quả. Vì đó, chị được người dân địa phương yêu mến gọi với cái tên Nhung “dân vận”...” - ông Hoàng Sa nói.
Bá Trí