246
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 21/06/2023 15:22
Báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đổi mới, duy trì và phát huy những giá trị tinh hoa
Từ khi ra đời cho đến nay, báo Đảng bộ tỉnh luôn phản ánh trung thực, khách quan, sinh động mọi mặt đời sống xã hội, từng bước tạo dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; và hôm nay sẽ tiếp tục tự đổi mới, phát huy vai trò là kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và các cấp chính quyền đề ra.

Cách đây 98 năm, báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức ra đời gắn liền với vai trò sáng lập của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành tờ báo tiếng Việt đầu tiên của giai cấp vô sản và cách mang Việt Nam. Báo đã góp phần mở đầu sự nghiệp đổi mới về tư tưởng chính trị, phương pháp cách mạng và phong cách báo chí của Việt Nam, góp phần quan trọng truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào nước ta, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nối tiếp sự ra đời của báo Thanh Niên, các báo Tranh Đấu, Dân chúng cùng một số báo khác của Đảng xuất bản trong thập kỷ đầu sau khi Đảng thành lập đã góp phần quan trọng trong việc tập hợp, củng cố các lực lượng cách mạng và dân chủ chống thực dân xâm lược và phong kiến tay sai. Các tờ báo: Việt Nam độc lập, Cứu Quốc, Cờ giải phóng, Sự thật, Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… sau này đều đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, trở thành cơ quan thông tin chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dù xuất bản công khai hợp pháp hay bất hợp pháp và thường xuyên phải đối phó với sự kiểm duyệt của kẻ thù, nhưng báo chí cách mạng luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, bám sát nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, tích cực tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng tiến lên dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng.

Thừa Thiên Huế từng là trung tâm của chế độ thực dân phong kiến, nơi tập trung cao nhất sự câu kết giữa thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, do đó báo chí ở Thừa Thiên Huế ra đời muộn hơn so với báo chí ở Sài Gòn và Hà Nội; tuy nhiên, sau khi ra đời, báo chí ở Thừa Thiên Huế đã sớm gây được tiếng vang trên diễn đàn báo chí cả nước. Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập. Sớm nhận thức được vai trò của báo chí trên mặt trận chính trị và tư tưởng của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và xuất bản Báo Con Đường Đấu Tranh - tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế. Trải qua hơn 93 năm từ Con Đường Đấu Tranh đến Thừa Thiên Huế ngày nay với nhiều lần chia tách, hợp nhất, báo Đảng bộ tỉnh với những tên gọi khác nhau, như: Con Đường Đấu Tranh, Nhành Lúa, Sông Hương tục bản, Dân, Quê Hương, Quyết Chiến, Quyết Thắng, Giết Giặc, Thống Nhất, Cứu Lấy Quê Hương, Thừa Thiên Huế Giải Phóng, Bình Trị Thiên, Huế Ngày nay…, báo Đảng bộ tỉnh luôn bám sát mục đích, tôn chỉ, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng, lấy nhiệm vụ phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao cả của mình.

Từ khi ra đời cho đến nay, báo Đảng bộ tỉnh luôn phản ánh trung thực, khách quan, sinh động mọi mặt đời sống xã hội, từng bước tạo dựng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Báo chí đã chú trọng phát huy nhân tố mới, nêu gương người tốt, việc tốt, đề cao những tấm gương sáng tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của Đảng, của cách mạng; đồng thời, cũng luôn đề cao cảnh giác với kẻ thù, kiên quyết chống lại mọi âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Là sản phẩm của vùng đất sông Hương núi Ngự, trải qua hơn 700 năm lịch sử phát triển từ vị trí phên dậu của đất nước đến thủ phủ xứ Đàng Trong, đạt tới đỉnh cao với trên 100 năm là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam và nay vẫn giữ vững vị thế trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, báo Đảng bộ tỉnh đã biết hấp thu, kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa để tạo nên một tờ báo giàu bản sắc văn hóa.

Tạo dựng nên vị trí và thương hiệu của báo Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế còn phải kể đến những tên tuổi lớn gắn liền với mỗi thời kỳ cách mạng như: Phan Đăng Lưu, Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang… Ngay cả người con ưu tú của quê hương, một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng đã ghi dấu ấn với tư cách là người thành lập Báo Vì Nước (1942). Cũng chính từ nguồn gốc báo Đảng Thừa Thiên Huế đã đào tạo nên những nhà báo lớn trong làng báo chí cách mạng mà tên tuổi của họ đã vượt ra khỏi không gian vùng đất Thừa Thiên Huế, như: Nguyễn Khoa Điềm, Trần Hoàn, Thanh Hải, Ngô Kha…

Ngày nay, phát huy truyền thống của một vùng đất giàu truyền thống báo chí cách mạng, cùng với báo chí cả nước, báo chí tỉnh nhà đã có những bước trưởng thành về mọi mặt. Hoạt động báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng; cỗ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước; kịp thời phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới; tích cực đấu tranh phòng, chống các hiện tượng tiêu cực của xã hội, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Các cơ quan báo chí đã tích cực và nỗ lực trong công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid - 19; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; việc thực hiện các chương trình, đề án… trên địa bàn tỉnh; qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà.

Hiện nay, triển khai thực hiện Nghị quyết 54 -NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực, quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Để hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, bên cạnh việc triển khai tích cực, quyết liệt các giải pháp trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, báo chí với vai trò là cầu nối để đưa các chủ trương, quan điểm của Đảng từng bước đi vào đời sống xã hội. Tin tưởng rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, đội ngũ những người làm báo của Đảng bộ tỉnh hôm nay sẽ tiếp tục tự đổi mới, phát huy vai trò là kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của người làm báo cách mạng trong giai đoạn mới, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng bộ tỉnh, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và các cấp chính quyền đã đề ra.

Đồng Thị Ly