Thực trạng
Hạ tầng giao thông bất cập; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân kém; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác đảm bảo ATGT chưa chặt chẽ… đã làm cho việc quản lý Nhà nước về trật tự ATGT của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trở nên khó khăn.
Thực tế cho thấy, từ năm 2016 đến nay, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã phối hợp xử lý 52 “điểm đen” tiềm ẩn TNGT, nhưng lại có thêm nhiều “điểm đen” mới phát sinh, gây những hệ lụy không nhỏ cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
Đơn cử như nút giao phía bắc cầu Dã Viên; mặt đường rộng, độ dốc lớn, làn đường lại không thẳng, trong khi các phương tiện thường chạy tốc độ cao nên đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Tương tự, đường Cách Mạng Tháng Tám trên QL1A - đoạn qua địa bàn phường Tứ Hạ (Thị xã Hương Trà) có mật độ dân cư đông đúc, lòng đường lại hẹp và có nhiều đường ngang băng cắt, khiến cho tài xế không kịp trở tay khi có tình huống bất ngờ. Dải phân cách cứng được lắp đặt giữa đường Cách Mạng Tháng Tám với mục đích giảm TNGT nhưng thực tế lại càng dồn các phương tiện giao thông vào đường hẹp. Trên QL1A - đoạn từ km 844 + 300 (trạm thu phí Phú Bài) đến km 862 + 500 (gần thị trấn Phú Lộc) rất dài, nhưng không có đèn chiếu sáng nên thường xuyên xảy ra TNGT.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận 45 của Ban Bí thư, Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đến năm 2025, phải xóa hết các “điểm đen” về tai nạn giao thông
Một trong những giải pháp được lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải đặt ra là, hoàn thiện hạ tầng giao thông và tổ chức lại giao thông. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải khẳng định, mục tiêu của ngành là phải kết nối giao thông một cách nhanh chóng, thông suốt từ đô thị hạt nhân là Thành phố Huế đến các đô thị vệ tinh và các vùng nông thôn. Muốn vậy, phải tổ chức lại hệ thống giao thông trên địa bàn Thành phố Huế; trong đó, kết hợp được với hệ thống công nghệ thông tin giám sát và điều hành giao thông thông minh. Từ nay đến năm 2025, phải xóa hết các “điểm đen” về TNGT trên địa bàn toàn tỉnh.
“Ngoài đổi mới phương pháp, chiến thuật tuần tra, kiểm soát, tăng cường kiểm tra xe khách, ô tô vận tải chạy đường dài, xe container, công an các địa phương thành lập các tổ công tác đặc biệt để tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý thanh thiếu niên thường xuyên có hành vi vi phạm giao thông”, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ.
Với mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo trật tự đô thị, Thành phố Huế đưa ra giải pháp là, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, nhà hàng, khách sạn muốn cấp phép kinh doanh bắt buộc phải đảm bảo diện tích đỗ xe; gắn trách nhiệm của Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Cảnh sát khu vực trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trật tự ATGT...
“10 năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra TNGT đường thủy; không để xảy ra đua xe trái phép, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tuy nhiên, công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc: Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà chỉ đạo như vậy tại hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận 45 của Ban Bí thư, Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông vừa qua.
Anh Phong