245
+ aa -

Chính trị - Xã hội

Cập nhật lúc : 29/03/2018 08:34
24 giờ bảo vệ Bí thư Tỉnh ủy Vũ Thắng
Đầu năm 1975, để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên, Khu ủy Trị Thiên, Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định mở chiến dịch Đợt 1, kéo dài từ đêm 8/3/1975 đến ngày 14/3/1975 nhằm làm suy yếu sinh lực địch, gây hoang mang cho lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, tạo điều kiện để quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương.
ảnh đồng chí Nguyễn Văn Cường và bà Lê Thị Vịt

Để nắm vững tình hình địch, kịp thời động viên tinh thần quân và dân toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên lúc bấy giờ là đồng chí Vũ Thắng đã về các xã trong vùng địch tạm chiếm để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Đợt 1.

       Khuya 12/3/1975, đồng chí Vũ Thắng và anh Nguyễn Thanh Giai- Phó Ban Binh vận tỉnh về  tới ấp 3, xã Mỹ Thủy (nay là phường Thủy Phương, T.X Hương Thủy). Đi theo bảo vệ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có anh Nguyễn Công Luận là giao liên huyện, anh Dương Văn Xuân (tức Xê) là cán bộ an ninh và một số đồng chí bộ đội huyện. Lúc bấy giờ tôi là cán bộ trinh sát của An ninh huyện Hương Thủy, được cử về nằm vùng tại xã Mỹ Thủy, vừa làm công tác an ninh vừa xây dựng cơ sở bí mật làm chỗ trú chân cho lực lượng an ninh và các cán bộ khác về hoạt động. Đêm đó, tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Giai trong thời gian các đồng chí ở lại ấp 3. Sau khi các anh Luận, anh Xuân và bộ đội rút hết, tôi đưa anh Thắng và anh Giai đến trú ở hầm bí mật nhà ông Nguyễn Duy Tộ và bà Lê Thị Vịt- cơ sở bí mật trung kiên của tôi ở ấp 3, nơi tôi thường xuyên qua lại hoạt động.

         Nhà ông bà Vịt chỉ cách trụ sở xã của ngụy khoảng 500m- nơi đó địch bố trí một cuộc cảnh sát (mỗi cuộc có 7-10 cảnh sát) do một tên trung úy làm Cuộc trưởng và một Phân chi khu quân sự gồm một trung đội lính nghĩa quân do một tên đại úy chỉ huy. Ngoài ra còn có một toán nhân dân tự vệ (lực lượng bán vũ trang do ngụy lập ra để chống phá cách mạng) thường xuyên lùng sục bắt bớ, chỉ điểm. Mặc dù em trai ông Tộ là Xã trưởng ngụy, nhưng tôi vẫn hết sức tin tưởng lòng quả cảm cũng như tinh thần cách mạng của hai ông bà. Ông bà Vịt có hai con trai đều thoát ly tham gia bộ đội giải phóng, trong đó có một anh đã hy sinh anh dũng năm 1968. Trong nhà còn có một người con trai út và đứa cháu ngoại đang học lớp 8. Căn hầm bí mật này chỉ có tôi và anh Nguyễn Công Luận biết, thường chỉ để phục vụ các đồng chí Thường vụ Huyện ủy như anh Lê Quý Cầu, Nguyễn Văn Thạnh. Tôi để  anh Thắng và anh Giai ở trong hầm bí mật (căn hầm này được đào xuyên từ ngoài vườn vào dưới bếp nhà bà Vịt, miệng  hầm được ngụy trang ngay dưới mấy bụi dứa ngoài vườn), còn mình thì vào trú trong căn nhà kho thấp lè tè- nơi để các vật dụng của gia đình như cày, cuốc, bồ chứa lúa giống...Tôi chọn một góc thuận lợi, vừa gần hầm bí mật, vừa dễ quan sát động tĩnh bên ngoài để chủ động ứng phó khi có nguy hiểm.

      Cả đêm hôm đó tôi không hề chợp mắt. Đêm tháng 3 ở Huế khá mát mẻ, song muỗi thì nhiều vô kể. Nhiều lúc bị muỗi đốt đau quá tôi chỉ dám hít hà trong họng, tay không dám đập muỗi vì sợ phát ra tiếng động. Bên ngoài im ắng một cách đáng sợ. Tiếng nói chuyện, tiếng chân bọn lính đi tuần lúc to lúc nhỏ. Thỉnh thoảng lại có tiếng súng bắn vu vơ vọng ra từ các đồn bốt của địch. Một đêm căng thẳng trôi qua. Rạng sáng hôm sau, bà Vịt giục con trai út mở trâu ra đồng. Đứa cháu ngoại cũng cắp sách đi học. Ông Tộ và bà Vịt không đi làm mà ở nhà để cùng tham gia bảo vệ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Tôi phân công bà Vịt đi quanh trong ấp nghe ngóng tình hình xem địch có hoạt động gì đáng ngờ hay có bọn cảnh sát nào lai vãng đến gần nhà không? Còn ông Tộ thì kiếm cớ đến nhà em trai là Xã trưởng ngụy để thăm dò xem địch đã nghi ngờ gì chưa, có hoạt động gì khác thường gây bất lợi cho việc bảo vệ đồng chí Bí thư tỉnh ủy không? Cứ nửa tiếng một lần, bà Vịt lại đến báo cáo tình hình cho tôi biết.  Một ngày cứ thế trôi đi, dài như thể một năm vậy. Lo lắng cho sự an nguy của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khiến người tôi lúc nào cũng căng như dây đàn. Bàn tay cầm súng có lúc như đờ ra vì quá căng thẳng. Chưa bao giờ tôi thấy một ngày lại dài đến thế. Khi nắng chiều đã tắt, bóng tối bao phủ khắp nơi, cả tôi và vợ chồng bà Vịt đều thấy nhẹ cả người. Biết là nguy hiểm vẫn luôn rình rập nhưng bóng đêm luôn là đồng minh của những cán bộ nằm vùng như chúng tôi.

       Tối hôm đó, chúng tôi được ông bà Vịt thết một bữa cơm ngon lành. Khác với các đồng chí ở trên "cứ " phải ăn uống kham khổ, những cán bộ nằm vùng như chúng tôi tuy nguy hiểm nhưng lại được bà con nuôi ăn rất tốt. Suốt một ngày đêm hết nằm lại ngồi trong hầm tối, giờ lên mặt đất, được hít thở không khí thoải mái, thức ăn lại ngon, anh Thắng, anh Giai dường như khỏe hẳn ra. Ăn tối xong, khoảng 20 giờ đêm, anh Thắng nói tôi đưa anh và anh Giai đến khu vực ấp 1 và thôn Thượng Lâm (cũng thuộc xã Mỹ Thủy) gặp chị Trần Thị Hà- Bí thư xã và các anh em đang hoạt động ở đó. Lúc đó, tôi rất lo, trên đường đi nhỡ gặp địch phục kích, một mình tôi liệu có đảm bảo được an toàn cho hai anh không? Tôi chết thì không sao nhưng nếu để địch bắt hoặc bắn chết hai đồng chí lãnh đạo tỉnh thì tổn thất qua lớn. Nghĩ vậy, tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Bưởi, một đảng viên bí mật ở trong ấp, nhờ chị  hỗ trợ tôi đi bảo vệ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Chị đồng ý ngay. Tôi đưa cho chị một quả lựu đạn M26 của Mỹ, bảo chị đi sau, tôi cầm khẩu AK báng gấp đi trước, nếu gặp địch chị để tôi đối phó, đánh lạc hướng địch, còn chị nhanh chóng đưa hai anh trở lại nhà ông bà Vịt, chờ liên lạc đến đưa hai anh đi nơi khác. Trường hợp nhà bà Vịt có dấu hiệu không an toàn, chị Bưởi phải thay tôi chịu trách nhiệm đưa hai anh đến một cơ sở bí mật trung kiên khác ở ấp 4, tìm cách bắt liên lạc để giao liên đưa hai anh về hậu cứ.

         Bàn bạc xong, chúng tôi chuẩn bị lên đường. Lúc ấy khoảng 21 giờ. Ngoài đường không một bóng người. Hồi bấy giờ nhà ở thưa thớt lắm, ban đêm, chúng tôi thường luồn trong các vườn cây, bờ bụi từ nhà này sang nhà khác để đi hoạt động. Tôi đi trước, chị Bưởi theo sau, tiếp đến là anh Thắng, anh Giai đi đoạn hậu. Nếu đi thẳng thì từ ấp 3 đến ấp 1 chỉ khoảng hơn một cây số nhưng để tránh địch phục kích, chúng tôi phải đi vòng sang ấp 4, men theo sát hàng rào căn cứ ấp 5 của địch, lội qua suối, luồn qua các vườn cây, rẫy sắn, băng qua các bãi tha ma.... Trời tối đen như mực, cả đoàn cứ lặng lẽ, dò dẫm từng bước, vừa đi vừa căng tai nghe ngóng từng tiếng động nhỏ, sẵn sàng đối phó với mọi bất trắc. Lúc gần đến con suối, tôi chợt ngửi thấy thoang thoảng mùi thuốc lá Ruby, một vài tiếng động khác lạ không giống tiếng chồn chạy. Linh tính báo cho tôi biết phía trước đang có địch phục kích. Lập tức, tôi ra hiệu cả đoàn dừng lại, tìm đường đi vòng để tránh đụng độ với địch. Cứ như thế, mỗi lần có dấu hiệu nguy hiểm, chúng tôi lại đi vòng thật xa để đảm bảo an toàn. Gần 23 giờ đêm, chúng tôi mới đến được thôn Thượng Lâm. Ở đó, chúng tôi gặp được chị Hà và một số đồng chí cán bộ nằm vùng, các đồng chí B14 (T.P Huế) cũng về phối hợp đánh địch trong chiến dịch Đợt 1 như đồng chí Võ Nguyên Quảng, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Nga...

       Đưa được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến Thượng Lâm an toàn, tôi và chị Bưởi mừng lắm. Bao lo âu, căng thẳng, mệt mỏi phút chốc tan biến đi hết. Chia tay anh Thắng và các anh em ở Thượng Lâm, tôi và chị Bưởi quay lại ấp 3 ngay trong đêm, kết thúc 24 giờ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. (Bài và ảnh: Huy Trần)

Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Cường- nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh)