Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bến Tre, Điện Biên.
28 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 12 tỉnh tăng trên 30% là Hưng Yên, Lạng Sơn, Kon Tum, Trà Vinh, Sơn La, Nam Định, Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tây Ninh. Ngoài ra, có 6 tỉnh có số người chết tăng trên 80% trở lên là: Long An, Phú Thọ, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Tây Ninh.
Đặc biệt, tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM tai nạn giao thông đều giảm sâu.
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, công tác bảo đảm TTATGT được UBND tỉnh đặc biệt coi trọng, tập trung chỉ đạo quyết liệt; các ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 251 vụ, làm chết 117 người, bị thương 171 người, thiệt hại tài sản khoảng 1024,2 triệu đồng. So với năm 2022 giảm 09 vụ (-3,46%), giảm 65 người chết (-35,71%), tăng 18 người bị thương (+11,76%).
Về thực trạng công tác đảm bảo ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, qua phân tích số liệu 5 năm cho thấy, TNGT tập trung ở các quốc lộ, trong đó quốc lộ 1 chiếm 45-50%/so với toàn tỉnh. Về thời gian gây tai nạn chủ yếu là ban đêm khung giờ từ 18h00 đến 06h sáng hôm sau chiếm 50-60%...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, hiện nay tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, La Sơn – Túy Loan đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên hiện nay hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát tốc độ chưa có, đường chỉ có hai làn xe chưa có dải phân cách nên các phương tiện và người điều khiển phương tiện thường hay chủ quan nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ giao thông vận tải, Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, cho lắp đặt hệ thống camera giám sát tốc độ và giám sát làn đường để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trên toàn tuyến cao tốc, quốc lộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Lưu Quang yêu cầu phải triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, trong đó phải "ứng xử nghiêm khắc hơn" với các vi phạm, thúc đẩy giải pháp phạt nguội vốn đang có hiệu quả tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác bảo đảm TTATGT, trong đó người đứng đầu phải làm gương. Các lực lượng chức năng phải phối hợp với nhau tốt hơn nữa, kiên quyết từ chối bất kỳ sự "gửi gắm" nào bởi nếu giữ được sự nghiêm túc của mình thì chắc chắn mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác an toàn giao thông để tăng tính minh bạch, giảm tải áp lực cho các lực lượng chức năng, đồng thời giúp các lực lượng chức năng phản ứng kịp thời hơn.
Ngọc Hiếu