Cồn Hến có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể cảnh quan của Huế
Cồn Hến là một cồn nhỏ được phù sa bồi lấp ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế. Qua thời gian, từ một cồn nhỏ được phù sa bồi lấp, cồn Hến ngày nay thành một vùng đất cao với diện tích đất liền 23,8 hecta, bao gồm 1.091 hộ/4.378 khẩu ở 03 tổ dân phố 11, 12 và 13. Đảo cồn Hến ngày nay là một khu dân cư đông đúc trù phú với nhiều công trình nhà cửa, trường học, đền chùa khang trang. Cồn Hến còn được coi là "đảo ẩm thực Huế" với những quán: Cơm hến, chè bắp... và là một trong các địa điểm du lịch của Huế. Cồn Hến có ý nghĩa rất quan trọng trong tổng thể cảnh quan của thành phố Huế. Vì thế, việc quy hoạch phải thận trọng. Theo Quy hoạch tại Quyết định số 214 ngày 13/02/1998 và Quyết định số 1203, ngày 26/06/2015 của UBND tỉnh thì Quy hoạch Cồn Hến là khu dịch vụ du lịch cao cấp. Cụ thể, Khu du lịch dịch vụ cao cấp cồn Hến có diện tích khoảng 26,4 ha, trong đó diện tích đất liền 23,8 ha, diện tích mặt nước bao quanh cồn Hến khoảng 2,6 ha. Khu vực được quy hoạch thành khu du lịch dịch vụ cao cấp, nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố Huế.
Tuy nhiên, suốt thời gian rất dài qua, cư dân Cồn Hến vẫn phải sống trong những căn nhà xuống cấp, hư hỏng nhưng không thể sửa chữa, làm mới vì… “vướng” quy hoạch bởi dự án “Khu du lịch - dịch vụ cao cấp Cồn Hến”. Theo phản ánh của người dân nơi đây, Cồn Hến là vùng thấp trũng nằm bên sông Hương nên thường xuyên chịu cảnh lụt lội. Trong khi nhà cửa lại không được xây dựng mới, hoặc sửa chữa nên vào mùa mưa bão người dân rất lo lắng. Nhà cửa người dân, công trình công cộng ở khu vực này dù đang xuống cấp nhanh cũng không được sửa chữa, xây mới. Bà con băn khoăn, dùng dằng trước “đi hay ở?”.
Trong chuyến khảo sát thực tế ở Cồn Hến, đồng chí Phan Thiên Định tặng quà cho nhiều hộ khó khăn, bị ảnh hưởng do mưa bão
Trong chuyến thăm, làm việc và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con sống trên khu vực Cồn Hến (phường Vĩ Dạ, thành phố Huế) trong sáng Chủ nhật 22/11/2020, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế - đồng chí Phan Thiên Định nhấn mạnh: “Chưa biết khi nào di dời, nhưng hiện tại người dân vẫn phải sống. Vì vậy, câu chuyện vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, đường sá, trường học… cho bà con nơi dây cần phải được đảm bảo tốt”. Câu nói như “trúng” vào tâm lý, nguyện vọng của bà con.
Mong được đầu tư các công trình, hạ tầng thiết yếu
Báo cáo với lãnh đạo thành phố Huế, ông Nguyễn Hoài Phương - Chủ tịch UBND phường Vĩ Dạ thông tin, nhiều năm gần đây, hệ thống đường giao thông khu vực cồn Hến hư hỏng nhanh, nơi có hệ thống thoát nước thì xuống cấp, nơi thì chưa có. Nằm trong khu vực này có Trường tiểu học Phú Lưu gần đây cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, phòng học xuống cấp, trang thiết bị dạy học hư hỏng… Hơn nữa, phương thức vận chuyển và xử lý rác thải ở Cồn Hến còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến cảnh quan.
Ông Phạm Văn Bôn - Bí thư Chi bộ 13 ở khu vực cồn Hến, phường Vĩ Dạ nói rằng, nhắc tới Huế người ta không chỉ nhắc đến sông Hương - núi Ngự mà người ta còn ưu ái nhớ về cồn Hến. Ai cũng biết rằng đây là địa danh du lịch, nổi tiếng với chè bắp, cơm hến nổi tiếng. Việc quy hoạch chưa biết bao mới triển khai làm người dân không chủ động được cuộc sống của mình, vì thế chính quyền và các cơ quan liên quan cần kịp thời hỗ trợ người dân an tâm cuộc sống, phát triển kinh tế. “Đây là vùng đất du lịch, khách ra vào thường xuyên. Vì thế, tu sửa đường, nâng cấp hệ thống thoát nước, bắt thêm đèn điện… không chỉ làm không gian ở đây trở nên đẹp hơn mà còn giúp bà con phát triển kinh tế - ông Phạm Văn Bôn chia sẻ.
Thời gian dài qua, cơ sở hạ tầng - giao thông, công cộng ở khu vực Cồn Hến chưa đảm bảo
Ông Nguyễn Dũng - Bí thư Đảng uỷ phường Vĩ Dạ trăn trở: “Nhiều lần trong các cuộc họp cử tri hay các cuộc tiếp xúc ở tổ dân phố, bà con cồn Hến đã phản ánh về việc quy hoạch có thực hiện hay không? Nếu đi thì khi nào? Còn nếu không thực hiện thì bỏ quy hoạch để nhân dân được yên tâm ổn định cuộc sống”. Ngoài ra, ông Dũng cũng đề nghị hiện tại, UBND thành phố Huế và các ban ngành cần đầu tư một số công trình hạ tầng cơ bản như người dân đã phản ánh để tạm thời ổn định cuộc sống.
Rà soát quy hoạch song song với đảm bảo đời sống thiết yếu của Nhân dân
Trước những trăn trở của người dân cồn Hến nói riêng và phường Vĩ Dạ nói chung, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định đồng cảm và sẻ chia những nỗi lo lắng của bà con. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Huế song song với việc rà soát quy hoạch như chỉ đạo của UBND tỉnh cần ưu tiên đảm bảo những nhu cầu cần thiết cho bà con. Trong quá trình nâng cấp, sửa chữa cần làm mới cầu Phú Lưu - cầu độc đạo vào Cồn Hến cho phù hợp, tạo được điểm nhấn, nét riêng dẫn vào khu vực này. Cùng với đó, rà soát, chỉnh trang lại hệ thống hàng rào của các nhà dân, dù chưa có sự tươm tất nhưng cũng ngăn nắp, sạch sẽ và ít nhiều tạo được thiện cảm cho du khách.
Trước mắt sẽ chỉnh trang lại Trường tiểu học Phú Lưu, đảm bảo việc học cho con em trong vùng cũng như kết hợp làm nơi sinh hoạt cho bà con. Về lâu dài, UBND thành phố Huế cũng cần xem xét xây dựng một điểm tránh trú mưa bão kiên cố nơi đây. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tính toán thời vụ để khai thác, phát triển đất nông nghiệp khu vực cồn Hến hiệu quả. Cần thiết sẽ nhờ hỗ trợ, tư vấn quy hoạch trồng cây gì để giúp bà con tạo ra được sản phẩm có thương hiệu, góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các kiến nghị còn lại của bà con cồn Hến cũng như chính quyền địa phương, ông Định ưu cầu các đơn vị liên quan phải nắm cụ thể và có tham mưu để giải quyết rốt ráo trong thời gian tới.
“Cồn Hến là vùng đất an bình, thơ mộng, có vị trí cực kì quan trọng trong tiến trình lịch sử phát triển của Huế, người dân nơi đây thân thiện, dễ mến. Trước khi nói chuyện di dời, người dân vẫn phải sống, con em của họ vẫn phải học hành, bà con cần phát triển kinh tế thông qua du lịch và các lĩnh vực khác. Do vậy phải ưu tiên đảm bảo vệ sinh môi trường và trật tự đô thị, đảm bảo đời sống thiết yếu của Nhân dân rồi mới nói đến Quy hoạch Cồn Hến là khu dịch vụ du lịch cao cấp” - UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành uỷ Huế Phan Thiên Định nhấn mạnh.
Thái Hùng