Một quyết định hợp lý
Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ vượt qua bao thác ghềnh, chảy về ôm ấp cả vùng châu thổ phía Bắc Thừa Thiên - Huế, để rồi sau 9 lần đổi hướng, sông Bồ dùng dằng lưu luyến như không muốn rời miền quê chiêm trũng thị xã Hương Trà và hai huyện Phong Điền và Quảng Điền trước khi hòa vào dòng sông Hương đổ ra biển cả. Dẫu là phụ lưu sông Hương nhưng vẻ đẹp bốn mùa nước trong xanh, sông Bồ xưa nay luôn được xem là con sông của tao nhân mặc khách và thi ca nhạc họa.
Còn với người dân bản địa thì “sông quê” mang nặng phù sa cần mẫn dệt nên vóc dáng xứ sở văn vật trong cái nôi văn hóa Huế. Nơi ấy, văn hóa làng quê được kết tinh và khẳng định giá trị như: di chỉ khảo cổ Cồn Ràng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, rừng sinh thái ngập mặn Rú Chá, phố cổ Bao Vinh, thanh trà Hương Văn, quýt ngọt Hương Cần…
Thế nhưng cả một thập kỷ qua, sông Bồ bị biến dạng trước nạn khai thác cát sỏi trái phép. Ngày lẫn đêm, các phương tiện ngang nhiên neo đậu, hút và mua bán cát sỏi trái phép ở mọi vị trí trên con sông này. Đặc biệt, khi thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn chặn dòng, lượng cát dần cạn kiệt, trong khi nhu cầu xây dựng ngày một lớn nên đội quân “cát tặc” huy động cả sà lan công suất 70 - 100m³ thay thế phương tiện hút cát thủ công là thuyền gỗ công suất 10m³ để tận thu cát sạn trái phép ngay sát khu dân cư.
Thời điểm khai thác cát chủ yếu diễn ra vào ban đêm từ 20 giờ hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau nhằm tránh sự kiểm tra của các ngành chức năng, gây xáo trộn cuộc sống các hộ dân dọc hai bên bờ sông vì tiếng ồn inh ỏi của máy móc. Mỗi đêm, sông Bồ đoạn qua thị xã Hương Trà bị các đối tượng khai thác cát trái phép “xẻ thịt”, lấy đi hàng ngàn khối cát, thu lợi cả trăm triệu đồng.
Đổi lại, hàng trăm mét vuông ruộng vườn của người dân ven sông bị sạt lở; nhà cửa, tính mạng con người có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào... Đáng quan ngại hơn, nạn khai thác cát sỏi trái phép diễn ra công khai, kéo dài nhiều năm nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng dường như tỏ ra bất lực.
Trăn trở với bài toán lực lượng mỏng, trong khi đội quân “cát tặc” hùng hậu lại bất chấp luật pháp để “móc ruột” sông Bồ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sau nhiều lần họp bàn đã có một quyết định được coi là táo bạo khi đồng ý chọn “điểm nóng” về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Bồ tại thôn Lại Bằng, phường Hương Vân để giao cho cộng đồng quản lý và khai thác.
Ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, Trưởng ban quản lý khai thác cát sạn tập trung lòng sông Bồ, nhớ lại: “Nói đây là quyết định táo bạo bởi không chỉ Thừa Thiên - Huế, hiện chưa có địa phương nào trong cả nước làm như chúng tôi cả”. UBND phường thành lập ban quản lý gồm 5 thành viên và tổ kiểm tra giám sát 6 thành viên có nhiệm vụ quản lý khai thác cát sỏi.
Có 52 phương tiện đăng ký khai thác cát sỏi được đánh số thứ tự để dễ quản lý, kiểm tra. Các hộ sau khi đăng ký phương tiện và được cấp phiếu khai thác mỗi ngày 2 chuyến (trung bình mỗi chuyến 10m³/phương tiện). Đồng thời, có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường khoảng 11.000 đồng/m³. Theo đó, ở phía dưới dòng sông cách mỏ cát đoạn qua thôn Lại Bằng khoảng 150m đặt một “trạm điều hành” giám sát với 5 thành viên chuyên lo việc phát phiếu cho các hộ khai thác cát sỏi tập trung tại bãi quy hoạch của phường. Trạm điều hành còn thường xuyên cắt cử người kiểm tra và xử lý nghiêm những phương tiện chưa được cấp phiếu mà vẫn khai thác hoặc neo đậu hút cát không đúng vị trí.
Người dân đồng thuận
Không chỉ các cơ quan chức năng mà ngay cả người dân địa phương cũng nhận thấy, mô hình cát sỏi tập trung trên sông Bồ giao cho cộng đồng dân cư khai thác đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở là một chủ trương hợp lòng dân.
Qua đó giải quyết được công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động trong vùng vốn mưu sinh bằng việc khai thác cát sỏi, và không còn tình trạng tận thu cát sỏi gần bờ, khai thác vào ban đêm gây mất an ninh trật tự qua việc ẩu đả tranh giành địa bàn giữa các thành viên; không bị thất thoát về mặt quản lý tài nguyên.
Hiện nhu cầu cát sỏi xây dựng tại Thừa Thiên - Huế mỗi năm cần trên 1.000.000m³, chủ yếu khai thác từ sông Hương và sông Bồ. Đặc biệt, cát sỏi, đá cuội được sản sinh liên tục từ các dãy núi đá đầu nguồn nếu không lấy thì các lòng sông ngày qua ngày sẽ bị bồi lấp, dòng chảy thay đổi, tác hại xấu đến môi trường. Vấn đề đặt ra là cần có giải pháp chỉ đạo khai thác một cách khoa học, đúng kỹ thuật, đúng địa điểm và số lượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho rằng: “Lâu nay địa phương mới giải quyết được phần ngọn. Trong khi đó, phần gốc của vấn đề là làm sao khai thác bền vững gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội chưa được chú trọng. Giao cho cộng đồng quản lý và khai thác cát sỏi sông Bồ là mô hình có nhiều ưu điểm, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay, giúp địa phương quản lý tốt tài nguyên và các vấn đề an ninh trật tự và giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định tại địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát các bãi cát, sỏi trên địa bàn để đưa ra danh mục các bãi khai thác cộng đồng trên cơ sở địa hình, bãi bồi dòng sông, trữ lượng… trình UBND tỉnh phê duyệt để các địa phương có cơ sở thực hiện”.
SGGP