Nhà xuất bản Trẻ vừa tổ chức tọa đàm giới thiệu hai tác phẩm Tự kể và Lang thang trong chữ của nhà văn Hồ Anh Thái. Trong đó, Lang thang trong chữ được coi như bút ký chuyện đời và chuyện nghề của nhà văn, chuyện về ngôn ngữ, bếp núc sáng tạo. Đây cũng là dịp để người trong nghề chia sẻ câu chuyện về sự cẩn trọng trong nghiệp viết đầy nghiêm khắc.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, mỗi người viết đều “lang thang trong chữ”, nhưng đó không phải là hành trình rong chơi mà là quá trình lao động bền bỉ, bởi “ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học” như Maksim Gorky khẳng định. Ngôn ngữ tạo nên phần vật chất của các ý tưởng và gợi lên tinh thần cho các câu chuyện.
Chính vì tác phẩm chỉ có thể viết bằng chữ nên người cầm bút có nhiệm vụ phải làm cho ra chữ. “Mà mỗi chữ ấy phải đẹp, phải nặng và phải sâu. Cố gắng không được mắc lỗi về chữ, để không có tội với chữ nghĩa. Tôi cũng là người làm việc về chữ, rất sợ chữ, sợ bị hổng chữ, nhưng rất kính trọng chữ. Bất cứ ai cầm bút đều nên kính trọng chữ và viết một cách tử tế”, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái nói. Sự giàu có của ngôn ngữ Việt cho nhà văn địa hạt thênh thang để làm giàu vốn liếng văn chương của mình, đồng thời, đáp ứng đầy đủ thẩm mỹ cho bất cứ người nào biết cách làm việc với nó, biết cách yêu mến nó và ít nhất là học cách viết nó. Chữ nghĩa có thể làm cho “người ta mê ly, người ta phấp phỏng hồi hộp, người ta đau đớn xót xa, người ta bâng khuâng mơ mộng sung sướng”, nhưng cũng lấy đi của người ta rất nhiều thứ, nếu sơ suất và thiếu ý thức với nó.
Vì vậy, người viết văn cũng được ví như “phu chữ”, muốn chạm khắc nên cái hay, cái đẹp thì chẳng những vừa nắm câu chữ trong lòng bàn tay, vừa phải biết dày công gọt giũa, thậm chí, còn phải biết cách “tránh” câu chữ nữa. Lang thang trong chữ, nhà văn Hồ Anh Thái viết: “Biển ngôn ngữ mênh mông… Người viết văn nên biết tránh những từ mà đâu đâu cũng dùng như một thói quen, như một cái mốt thời thượng. Tránh, vì nó đã cùn mòn. Tránh, vì nó quá đại trà. Tránh, vì một khi đã cùn mòn thì nó thiếu sức biểu cảm. Tránh, tôi cũng chỉ tự nhắc mình có thể lược bớt những từ liên từ rườm rà để tạo ra một hệ thống ngôn ngữ khác lạ, hoặc tạo ra cấu trúc câu văn mới mẻ”. Nói vậy nhưng nhà văn Hồ Anh Thái cũng không quên nhắn nhủ, khích lệ: “Tránh, đừng vội lo như vậy thì sẽ bị hạn chế, sẽ bị thiệt thòi… Ngôn ngữ là nơi tránh con đường này thì luôn có thể mở ra một con đường mới, mở ra khả năng mới. Ngôn ngữ của ta sẽ đa dạng hơn, nhiều sắc thái hơn, linh hoạt hơn”.
Với người làm nghề, lao động chữ nghĩa rất thú vị - PGS.TS. Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: Đã đến lúc các nhà văn cần có thêm những tác phẩm về lao động văn chương, chữ nghĩa như trước đây Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Ma Văn Kháng… đã từng viết. Đây là những câu chuyện giúp cho sự làm nghề, ý thức chuyên nghiệp về nghề của mỗi người cầm bút và nhất là bạn trẻ đang có chí hướng vào nghề có sự chuyên nghiệp về sáng tạo tác phẩm văn học.
Không chỉ trong sáng tác, dịch giả - người đưa tác phẩm văn chương nước ngoài đến với bạn đọc trong nước “cách chuyển dịch cũng phải dùng từ sao cho chính xác. Chẳng hạn, chỉ riêng từ “black” tiếng Anh thôi nhưng khi dịch sang thì ta chuyển nó thành “đen”, “mun” hay “ô”… còn tùy theo từng ngữ cảnh. Tức là cùng một chữ ấy nhưng ta phải biết dùng cẩn trọng” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói.
Đại biểu nhân dân