319
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 27/07/2015 08:45
XUNG QUANH VIỆC CÔNG BỐ ĐIỂM THI THPT QUỐC GIA: Công khai, minh bạch để nhân dân giám sát
Theo GS. TS. NGUYỄN MINH THUYẾT - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, điểm thi không phải là bí mật quốc gia, nên công bố không có vấn đề gì cả. Hơn thế, việc công bố kết quả thi của toàn bộ thí sinh sẽ tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó góp ý cho ngành giáo dục xây dựng cách tổ chức thi tốt hơn…
Nguồn: kenhtuyensinh.vn

Chủ trương không nhất quán


- Ông đánh giá thế nào về cách thức công bố điểm thi và không công khai toàn bộ dữ liệu kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2015?


- Kỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng còn rất nhiều điều mà những người tổ chức đã không lường hết. Cho nên, những quyết định quan trọng được đưa ra vào phút cuối hoặc thay đổi vào phút cuối đã tạo nên điều gì đó chưa yên tâm về cách tổ chức. Ví dụ như việc công bố điểm thi, theo thông lệ, các cụm thi tự công bố, nhưng năm nay Bộ GD - ĐT lại quyết định một mình quản lý và công bố. Ngay lúc ấy, những người không am hiểu công nghệ thông tin cũng nghĩ rằng Bộ không thể làm nổi việc này, vì cổng thông tin của Bộ sẽ bị nghẽn. Quả nhiên, phút cuối cùng, Bộ lại thay đổi ý kiến, giao thêm cho 8 cụm công bố điểm. Như thế, có phải chủ trương của mình không nhất quán?

 

Hay việc bây giờ dư luận mới biết không công khai điểm thi của tất cả thí sinh, và quyết định này cũng được đưa ra vào phút 89 - 90. Từ trước tới nay đều công khai điểm thi của tất cả thí sinh, bây giờ lại không, thì nhân dân thắc mắc cũng phải. Thực ra, điểm thi không phải là bí mật quốc gia, nên công bố không có vấn đề gì cả. Có thể lấy lý do là vì quyền riêng tư, cá nhân, nhưng thực ra, quyền này hơi khác các quyền về nhân thân (hoàn cảnh gia đình, tuổi tác, ngày sinh…). Tuy nhiên, ngay cả một số thông tin cá nhân, khi ứng cử đại biểu Quốc hội cũng phải công khai để dân biết, kể cả tài sản cá nhân. Nếu học sinh đã thi, phải chấp nhận công khai điểm thi. Mọi năm vẫn làm thế, có sao đâu?

 

- Thực tế, trên thế giới cũng có nước không công bố điểm thi của toàn bộ thí sinh, thưa ông?


- Có thể có nước nào đấy không công bố điểm thi của toàn bộ thí sinh, nhưng hoàn cảnh Việt Nam lúc này không nên làm như vậy, bởi còn nhiều chuyện tiêu cực, bệnh thành tích, xuê xoa, dễ dãi, mà nhân dân không bằng lòng. Vì thế, họ chờ xem kết quả của toàn bộ thí sinh để đánh giá kỳ thi 2 trong 1 có tốt không, chia ra các cụm thi có tốt không? Đáng lẽ chúng ta phải tận dụng cơ hội này để tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó góp ý cho ngành giáo dục xây dựng cách tổ chức thi tốt hơn, thì bây giờ lại giấu giếm. Theo tôi, công khai, minh bạch là quan trọng nhất, để dân biết, nếu có vấn đề gì, họ sẽ góp ý, còn nếu không, nhân dân sẽ thêm tin tưởng.

 

Không thể quản lý mãi như vậy được


- Nếu chỉ nhìn vào phổ điểm mà Bộ GD - ĐT công bố, chúng ta có thể đánh giá chính xác chất lượng giáo dục không, thưa ông?


- Nhìn vào phổ điểm chỉ thấy rằng, với kỳ thi, cách tổ chức thi như thế, thì năng lực của học sinh hiện nay ra sao, ở từng môn như thế nào? Tuy nhiên, chúng ta không đánh giá được tổ chức kỳ thi này có tốt hay không, đánh giá địa phương như thế nào. Nếu chỉ báo điểm cho từng thí sinh, các trường phổ thông sẽ không thể biết học sinh trường họ đỗ như thế nào, bởi làm sao tập hợp được tất cả các em để hỏi điểm, từ đó không biết phương hướng để điều chỉnh cách dạy, cách học.

 

Trong trường hợp kết quả kỳ thi không phản ánh chính xác chất lượng giáo dục thì có ảnh hưởng tới việc tuyển sinh vào đại học, cao đẳng không?


- Chắc chắn năm nay việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ bị ảnh hưởng, bởi vì các cụm thi cho điểm không công bằng, nhưng lại dùng điểm thi ấy để tuyển sinh vào tất cả trường đại học. Như thế, rõ ràng sẽ có một số cháu bị thiệt, một số cháu được lợi, và trường đại học cũng không tuyển được các cháu thật giỏi. Đó là một hạn chế.

 

Theo ông, việc Bộ GD - ĐT đứng ra quản lý và công bố điểm thi như năm nay, các trường đại học có thực sự được tự chủ trong tuyển sinh như quy định của Luật Giáo dục đại học hay không?


- Rõ ràng như thế này chẳng ai được tự chủ, cả các trường đại học và các Sở GD - ĐT. Không thể quản lý mãi như vậy được. Bộ GD - ĐT là cơ quan quản lý ở trung ương, làm về chính sách, pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm, làm sao Bộ ôm điểm thi về mình? Bộ không thể quanh năm ngày tháng tổ chức kỳ thi được. Từ kỳ thi này, theo tôi, Bộ GD - ĐT nên rút kinh nghiệm và đề ra lộ trình đổi mới thi cử, công bố sớm cho học sinh, phụ huynh, các trường biết để họ chuẩn bị. Sang năm, sang năm nữa chắc vẫn phải thi theo kiểu này, nhưng có lẽ sau đó sẽ phải thay đổi. Tốt nhất là giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GD - ĐT. Chỉ cần tổ chức một kỳ thi nhẹ nhàng, đủ để đánh giá học sinh tốt nghiệp. Còn việc tuyển sinh giao cho các trường đại học lo, tự quyết định phương án tuyển sinh, có trường tổ chức thi riêng hoặc thi theo cụm, có trường không tổ chức thi mà chỉ dựa vào kết quả ở phổ thông để tuyển… Ví dụ, những trường nhóm dưới, mời chào thí sinh còn không vào thì tổ chức thi làm gì?

 

Xin cảm ơn ông!

 

 Bí mật lấp đi, sang năm sẽ mắc lại lỗi


“Lý do không công bố điểm của toàn bộ thí sinh, tôi cho rằng khó giải thích. Theo một số dư luận, nếu công bố toàn bộ dữ liệu kết quả thi sẽ rất bất lợi cho cách tổ chức thi 2 trong 1, bởi cụm thi coi nghiêm, thì điểm của thí sinh kém, bị kỷ luật nhiều; cụm thi coi và chấm không nghiêm, thì điểm của thí sinh cao vút. Cụm thi do trường đại học chủ trì tỷ lệ tốt nghiệp là hơn 90% (94,74%) nhưng cụm thi địa phương, cốt để tốt nghiệp THPT, tỷ lệ cũng hơn 80% (84,45%) thì rõ ràng đánh giá của cụm thi địa phương không phải đã nghiêm. Tôi biết ở một tỉnh miền núi, trường chuyên có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp hơn trường dân tộc nội trú, do các em trường dân tộc nội trú thi ở cụm thi địa phương, còn các em trường chuyên thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì. Rõ ràng điều đó phản ánh kết quả này có vấn đề. Nếu giải quyết vấn đề bằng cách bí mật lấp đi, thì sang năm sẽ mắc lại lỗi này”.

GS. TS. NGUYỄN MINH THUYẾT

Người đại biểu nhân dân