Xóa mù chữ là yếu tố vô cùng quan trọng, là nền móng vững chắc để bảo đảm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng xã hội học tập và bảo đảm năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực. Với những quyết sách được triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những tiến bộ to lớn trong cộng tác xóa mù chữ. Theo đó, hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, 90% dân số trong độ tuổi 15 - 35 đã biết chữ. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập vẫn còn nhiều thách thức phía trước, bởi công tác xóa mù chữ không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc viết mà còn xóa mù kiến thức khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và nhiều lĩnh vực khác.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Công Hinh cho biết, hiện nay công tác xóa mù chữ của nước ta đang có những tồn tại và hạn chế nhất định. Theo đó, ở một số địa phương, công tác xóa mù chữ chưa được các cấp chính quyền nhận thấy rõ được ý nghĩa, vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và sự phát triển chung của cả cộng đồng. Sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành giáo dục ở địa phương đối với công tác xóa mù chữ không còn ráo riết, quyết liệt như trước. Vì vậy hiệu quả xóa mù chữ không cao, không bền vững, hiện tượng tái mù chữ đang gia tăng đáng kể.
Chưa kể đến, việc vận động bà con tham gia công tác xóa mù chữ và duy trì sĩ số lớp học là công việc rất khó khăn. Theo Vụ trưởng Nguyễn Công Hinh, nguyên nhân là do hầu hết người mù chữ thuộc các hộ nghèo, đời sống kinh tế rất khó khăn, do đó lao động để kiếm sống đối với họ cấp bách hơn đi học xóa mù chữ. Ngoài ra, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi biết chữ nhưng không hoặc ít có cơ hội sử dụng nên rất dễ tái mù chữ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề cần giải quyết như người mù chữ thường đứng ngoài các nghề cần đến việc sử dụng kỹ thuật cao. Họ chỉ tham gia các nghề thuộc lĩnh vực lao động chân tay đơn giản và nặng nhọc, tiền công lao động thấp, năng suất thấp. Một bộ phận người mù chữ dễ bị lôi cuốn vào việc tiêu cực như trộm cắp, lừa đảo, gian lận… Người mù chữ cũng sẽ tự làm mất đi nhiều quyền công dân và quyền con người mà đáng ra được hưởng. Mặt khác, họ cũng bị loại khỏi các lớp học nghề kỹ thuật cao, các lớp tập huấn về chuyên môn, do đó sẽ mất đi nhiều cơ hội làm giàu trên cơ sở học vấn và tri thức nghề nghiệp.
Xóa mù chữ phải gắn với cộng đồng
Xóa mù chữ là công việc đòi hỏi phải có tổ chức, có mục tiêu lâu dài và phải gắn với những kế hoạch phát triển KT - XH như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề ngắn hạn, tổ chức sinh hoạt của nhà văn hóa, câu lạc bộ, phòng đọc sách, thư viện. Do đó, để đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa mù chữ trong bối cảnh xây dựng xã hội học tập, cũng như đạt được mục tiêu của Đề án xóa mù chữ đến năm 2020, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong, điều quan trọng là công việc xóa mù chữ phải gắn với cộng đồng, dựa vào trung tâm học tập cộng đồng, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới… Hoàn thành việc xóa mù chữ mà thiếu việc giáo dục sau xóa mù chữ tiếp theo thì sẽ xảy ra tình trạng tái mù chữ do không sử dụng chữ hàng ngày.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ. Cùng với việc tổ chức các lớp xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Nguyễn Công Hinh cho rằng, cần phát huy vai trò, uy tín của các già làng trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong làng, bản chưa biết chữ đi học bằng cách động viên, giao trách nhiệm cho các trưởng, thôn, bản trực tiếp tham gia huy động và duy trì sĩ số lớp học xóa mù chữ.
Ngoài ra, cần tiến hành biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng người học. Các địa phương chủ động nghiên cứu và biên soạn tài liệu xóa mù chữ phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số với hình thức phù hợp, nội dung hấp dẫn, thiết thực nhằm giúp người mới học có cơ hội được tiếp xúc thường xuyên, hạn chế quên chữ. Bởi việc biết chữ mới chỉ là bước đầu, xóa mù chữ không chỉ dừng lại ở kỹ năng đọc, viết mà còn tăng cường xóa mù kiến thức khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Hiện nay, tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 - 35 của toàn quốc là 98,69%; số người trong độ tuổi 15 - 60 của toàn quốc là 97,73%. Trung bình mỗi năm cả nước huy động được khoảng 35.000 người theo học các lớp xóa mù chữ, khoảng 22.000 người học theo học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, 13 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong các trung tâm học tập cộng đồng để duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ. Năm học 2014 - 2015 cả nước có 27.512 người học xóa mù chữ và 12.867 người học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, hơn 18 triệu lượt người học tại các Trung tâm học tập cộng đồng.
Người đại biểu nhân dân