Chưa đánh giá chính xác chất lượng giáo dục
Quy chế thi THPT Quốc gia 2015 vẫn duy trì điểm liệt của môn thi là 1 điểm và cách tính điểm xét tốt nghiệp giống như năm 2014, nhưng tỷ lệ tốt nghiệp đã giảm. Thống kê điểm thi các môn năm 2015 của Bộ GD - ĐT cho thấy, tổng số thí sinh của cả nước đạt điểm 10 ở tất cả 8 môn thi chỉ là 406 (toán: 86; văn: 0; ngoại ngữ: 59; vật lý: 1; hóa học: 130; sinh học: 35; lịch sử: 11; địa lý: 84). Trong khi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, chỉ tính riêng ở TP Hồ Chí Minh đã “lạm phát” đến hơn 15.000 điểm 10.
Theo cách tính điểm trong ba-rem chấm thi, giáo viên phải chấm sát đến 0,25 điểm và tổng điểm của thí sinh sẽ không được làm tròn. Tuy nhiên, trong phổ điểm các môn thi Bộ GD - ĐT công bố, các biểu đồ chỉ thể hiện dải điểm cách nhau 0,5 điểm mà không cho thấy số lượng thí sinh ứng với các mức điểm lẻ 0,25 và 0,75, nên đã phần nào giảm tính chính xác, đầy đủ của toàn bộ phổ điểm. Với số lượng 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 91,58%, số thí sinh trượt tốt nghiệp THPT tính ra khoảng 69.000 thí sinh, cho thấy thí sinh trượt tốt nghiệp do “vướng” điểm liệt là chủ yếu; số học sinh bị trượt do điểm xét tốt nghiệp không đủ 5 điểm chỉ chiếm khoảng 1/4.
Còn nhớ năm 2014, tuy tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt rất cao nhưng dư luận tỏ ra không vui vì không tin vào kết quả đó. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 đã hợp lý hơn nhưng rõ ràng còn nhiều vấn đề phải mổ xẻ. Dù biết rằng yêu cầu về chất lượng, phản ánh chính xác việc thực học, thực dạy là yếu tố hàng đầu trong thi cử nhưng chắc chắn tỷ lệ tốt nghiệp và định hướng cho học sinh trượt tốt nghiệp là một vấn đề xã hội, cần giải quyết tổng thể. Do đó, số học sinh trượt tốt nghiệp không chỉ phản ánh học lực của bản thân thí sinh và chất lượng, hiệu quả giáo dục, mà còn là một công cụ phân luồng đào tạo sau THPT mà có lẽ xã hội cũng dần dần phải làm quen và chấp nhận.
Rối như bòng bong?
Thí sinh và cha mẹ học sinh cũng rất băn khoăn khi không biết vị trí của mình, từ đó chọn được trường ĐH, CĐ phù hợp để nộp hồ sơ xét tuyển. Trên phổ điểm, các dải điểm cách nhau 0,5 điểm nên thí sinh sẽ không biết có bao nhiêu người hơn mình 0,25 điểm/môn, trong khi xét tuyển vào đại học, cách nhau 0,5 điểm đã là vấn đề lớn. Chưa kể, 3 môn: lý, hóa, sinh, Bộ GD - ĐT không làm đồ thị phổ điểm đến 0,5 điểm như các môn khác mà dải điểm cách nhau tận 1 điểm. Như vậy sẽ rất khó cho thí sinh cân nhắc chọn trường.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD - ĐT) cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia nhằm hai mục tiêu, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, do đó phổ điểm phải là phổ điểm chung, chứ không phải làm riêng cho hai khối trường. “Nếu chỉ thống kê cho mục tiêu xét vào đại học thì mới tách thành các khối như Bộ đã công bố. Mục tiêu thứ hai tương đối đạt yêu cầu, nhưng môn Toán, Ngoại ngữ độ phân hóa chưa cao. Tuy nhiên, mục tiêu xét tốt nghiệp ở kỳ thi này chưa ổn”. Còn PGS. Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) lo ngại, việc xét tuyển của thí sinh, trường đại học sắp tới có thể sẽ là “mớ bòng bong”. Thí sinh đạt điểm thuộc nhóm giữa, tầm 17 - 21 điểm, có nguy cơ trượt đại học lớn bởi bối rối trong chọn trường. Ngoài ra, các em sẽ phải quay như chong chóng để theo dõi thông báo thí sinh đậu trên trang web của các trường nhằm kịp thời gửi hồ sơ sang nơi khác, sẽ phải vận dụng hết mối quan hệ, tính toán chiến lược để có khả năng đậu đại học cao.
Người đại biểu nhân dân