Cân nhắc chọn ngành, chọn trường
Với việc sửa ưu tiên khu vực, quy định làm tròn điểm đến 0,25 điểm, thì việc chọn ngành nào, trường nào để trúng tuyển là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và thí sinh ở thời điểm hiện tại. Trong Ngày hội tư vấn xét tuyền ĐH, CĐ do báo Tuổi Trẻ tổ chức cuối tuần qua, một số phụ huynh cho biết họ đang chọn phương án xét tuyển như “chơi chứng khoán”, tức là chọn một trường an toàn để “chắc chắn đỗ” nhưng vẫn chọn nguyện vọng vào một trường mà cả bố mẹ và con cùng yêu thích, mặc dù không tự tin. Nếu được vào trường yêu thích thì rất vui nhưng lại không dám đặt đó là nguyện vọng số 1. Về vấn đề này, TS. Vũ Viết Bình, Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội cho rằng, hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ “nên dựa vào sở thích, hoài bão, năng lực và sở trường thực sự của thí sinh chứ không nên coi việc chọn phương án xét tuyển là “chơi chứng khoán”. Vì có thể may mắn các em đỗ vào một ngành không phù hợp với năng lực và mong muốn thì đó không phải lựa chọn tốt, thậm chí có nhiều trường hợp bỏ học giữa chừng, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và công sức.
|
Thực tế cho thấy, thí sinh cần ưu tiên chọn ngành học, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này. Hiện nay, các trường ĐH lớn tổ chức tuyển sinh theo ngành đào tạo hoặc nhóm ngành hẹp (1 - 3 ngành), do đó cơ hội được chuyển ngành học sau khi trúng tuyển rất thấp. Cơ hội trúng tuyển của thí sinh phụ thuộc nhiều vào lựa chọn nguyện vọng, trong đó có chỉ tiêu dự kiến, số lượng thí sinh đăng ký và kết quả thi xác định điểm chuẩn trúng tuyển vào nguyện vọng đó. Phó trưởng phòng Quản lý thi tuyển sinh & Công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Nam Nhật Minh nhận định, với phương thức xét tuyển năm nay, thí sinh có thể đăng ký thi nhiều môn và đăng ký xét tuyển theo nhiều tổ hợp khác nhau theo thông tin tuyển sinh của các trường. “Một thí sinh có thể đăng ký 2 tổ hợp môn thi khác nhau vào cùng một trường. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được đăng ký tối đa vào 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng trong một đợt tuyển sinh. Do đó, thí sinh chọn tổ hợp môn có kết quả cao hơn thì cơ hội nhiều hơn”.
Đọc kỹ cảnh báo khi nộp hồ sơ trực tuyến
Hiện các trường ĐH, CĐ đã công bố kết quả trúng tuyển và gửi giấy báo nhập học cho thí sinh. Từ 1.8 thí sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các hình thức: Trực tuyến, nộp hồ sơ qua đường bưu điện, hoặc nộp trực tiếp tại phòng đào tạo trường. Thí sinh chọn hình thức đăng ký phù hợp nhất, thuận tiện nhất cho mình, nhưng chỉ nộp trực tiếp tại những trường công bố thông tin nhận hồ sơ xét tuyển tại trường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT TS. Trần Văn Nghĩa, hồ sơ xét tuyển năm nay gọn nhẹ, chỉ 1 phiếu đăng ký xét tuyển, mẫu phiếu đăng ký tải về từ website của trường, nhóm trường hoặc cổng thông tin các Sở GD - ĐT. Tuy nhiên, cái lợi khi đăng ký trực tuyến là hạn chế sai mã ngành, mã trường, mã tổ hợp do đã được cài đặt mặc định. Tuy nhiên, khi đăng ký thông tin như vậy, thí sinh phải tuân thủ từng bước hướng dẫn và sẽ có cảnh báo. Thí sinh cần đọc kỹ cảnh bảo, nếu không chọn cẩn thận thì sẽ không sửa được. Ví dụ, theo nguyên tắc các em được chọn 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành, nếu em chỉ điền vào 1 ngành, trang web sẽ tự động hỏi xem có chọn tiếp ngành khác nữa không… Vì thế, đọc kỹ cảnh báo không chỉ giúp các em hoàn thiện phiếu đăng ký xét tuyển mà còn không bỏ sót cơ hội. Khi đăng ký xét tuyển trực tuyến xong, thí sinh nên in bản bản điện tử chứng nhận đã đăng ký xét tuyển để làm đối chứng với các trường nếu có sai xót trong việc xét tuyển.
TS. Trần Văn Nghĩa khẳng định, năm nay có 2 điểm quan trọng cần lưu ý: Một là, thí sinh nộp hồ sơ vào thì không được rút hồ sơ ra. Hai là, sau khi các trường công bố kết quả xét tuyển, thí sinh phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại trường đã trúng tuyển. Vì thế, thí sinh phải cân nhắc cẩn thận khi nộp hồ sơ.
Dự đoán điểm chuẩn không tăng
“Ngoài môn Ngoại ngữ điểm thấp thì phổ điểm các môn khác tương đồng. Tổng số thí sinh đạt điểm cao thấp hơn năm ngoái. Điểm 9, 10 giảm rõ rệt nhưng điểm 7, 8 nếu tính ra phần trăm thì không giảm nhiều. Do đó, tôi dự đoán điểm chuẩn sẽ không thay đổi nhiều. Ngoài ra, thí sinh lưu ý: Một số trường, kể cả nhóm GX, xét tuyển bình đẳng giữa các nguyện vọng, tức là không có sự ưu tiên cho nguyện vọng 1. Việc sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên chỉ có ý nghĩa nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng xếp trên không xét nguyện vọng kế tiếp nữa”. TS. Nguyễn Phong Điền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Đại biểu nhân dân