278
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 15/01/2016 09:57
Xây dựng xã hội học tập: Chưa đạt mục tiêu
Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, do việc nắm bắt nhu cầu của người học còn hạn chế, nội dung giáo dục thiếu đa dạng và thiết thực, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, nên tỷ lệ huy động người ra lớp học vẫn còn thấp. Tới nay, một số mục tiêu trong giai đoạn 3 năm của đề án Xây dựng xã hội học tập (2012 - 2020) chưa đạt kế hoạch đề ra.
Nguồn: wordpress.com

Tại hội nghị trực tuyến Sơ kết 3 năm thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh vào sáng 13.1, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết, trong 4 mục tiêu của đề án, việc Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục và Học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ có kết quả vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tỷ lệ biết chữ tuổi 15 - 60 của toàn quốc là 97,3% (cao hơn 1,3% so với kế hoạch), 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99,8% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ; số cán bộ công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm đạt 81,2% (cao hơn kế hoạch đề ra là 1,2%). Tuy nhiên, 2 mục tiêu còn lại là Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề và Giáo dục kỹ năng sống, dù đã có tiến bộ nhưng chưa đạt kế hoạch. Đối với lao động nông thôn, từ 2013 đến nay đã có hơn 50,6 triệu lượt (chiếm khoảng 56%) người tham gia học tập tại các trung tâm và thiết chế văn hóa giáo dục; số công nhân qua đào tạo nghề đạt 70,6%, thấp hơn 14,4% so với mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên và người lao động tham gia học tập kỹ năng sống trong cả nước mới chiếm 53,8%.

 

Các trung tâm học tập cộng đồng, giáo dục thường xuyên - cơ sở của mô hình xây dựng xã hội học tập, đã góp phần xóa mù chữ, nâng cao dân trí, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực. Tuy nhiên, năng lực của một số trung tâm còn hạn chế, công tác điều tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu của người học chưa thường xuyên; các chuyên đề chưa đa dạng, thiết thực, do đó đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân còn hạn chế. Việc vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ có tỷ lệ thấp và duy trì sĩ số lớp học rất khó khăn…

 

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Ngô Văn Hợi cho rằng: việc đổi mới trung tâm học tập cộng đồng, giáo dục thường xuyên rất cần thiết. Trung tâm học tập cộng đồng phải là đầu mối kết nối, phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tại địa phương để tổ chức theo dõi, tổng hợp các loại hình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao công nghệ, dịch vụ, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao. Đa dạng hóa nội dung, hình thức học tập với thời gian phù hợp nhằm tạo điều kiện để đông đảo nhân dân tham gia. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng thấy rõ lợi ích của học tập với xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 

Tự học - nền tảng của xã hội học tập


Thực hiện đề án Xây dựng xã hội học tập, Thái Bình là một trong số ít địa phương tập trung phát triển mạng lưới thư viện, tủ sách, từ đó giáo dục văn hóa đọc trong nhà trường và hình thành văn hóa đọc cộng đồng - coi đó là nền tảng để xây dựng xã hội học tập. Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo Thái Bình cho biết, ngành đã triển khai phong trào xây dựng tủ sách phụ huynh, với ưu điểm phục vụ nhanh và vô điều kiện, kết nối giữa nhà trường và phụ huynh thông qua đọc sách, thúc đẩy tự học. Từ đó, nhân rộng ra các loại hình tủ sách khác, như tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách thôn làng, tủ sách trung tâm học tập cộng đồng, tương thích với các mô hình mà Hội Khuyến học phát động là gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng đơn vị học tập và các mô hình mang đặc trưng của địa phương như: tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ, các không gian đọc, tạo nên mạng lưới thư viện nhỏ, chính quy và không chính quy liên hoàn giúp cho việc học tập của cộng đồng ở mọi nơi, mọi lúc… Đến nay, trên toàn tỉnh, nổi bật nhất là huyện Quỳnh Phụ, có 950 tủ sách phụ huynh, 26 tủ sách dòng họ, 5 tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ, 9 không gian đọc…

 

Theo GS.TS. Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: năng lực tự học và một số kỹ năng cần thiết cho việc tự học, như kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng thu thập và khai thác tài liệu…; ý thức học tập thường xuyên, cần gì học nấy là rất cần thiết, yếu tố quan trọng của xã hội học tập. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra với người học như đặc trưng của mô hình Công dân học tập trong giai đoạn 2016 - 2020 còn phải làm rõ mục tiêu là học để trở thành người lao động có nghề; kết quả học tập phải hướng tới và giúp họ có khả năng cải thiện đời sống của cá nhân, đồng thời đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất của xã hội… Khi được trang bị các kỹ năng và hiểu rõ các mục tiêu học tập, từng người sẽ chủ động tìm kiếm những chương trình, nội dung theo nhu cầu, điều kiện của họ để học tập suốt đời.

 

GS.TS. Phạm Tất Dong cho rằng: Cấu trúc vĩ mô của xã hội học tập cần gắn kết giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, giữa giáo dục thế hệ trẻ với giáo dục người lớn, giáo dục xã hội với giáo dục học đường, giáo dục chính quy và không chính quy… Xã hội học tập phải đảm bảo cho việc học tập của người dân trong mọi thời gian và không gian sống, để khi có nhu cầu học hỏi, người dân có thể nhanh chóng tiếp cận với những tri thức, kỹ năng mà họ cần có.


Đại biểu nhân dân