Quyền uy sinh ra bị động
Ông đánh giá thế nào về vai trò của giáo dục nhà trường trong việc xây dựng con người Việt Nam hiện nay?
- Tôi cho rằng mục tiêu lớn nhất khi xây dựng con người Việt Nam là tạo ra lớp người biết làm chủ. Muốn làm chủ thì phải có kiến thức, biết tự đánh giá, dám nói và biết nói như thế nào là đúng, không đúng. Trường học chính là môi trường lý tưởng rèn luyện các yếu tố đó, bởi ở độ tuổi đi học, các em đang trong quá trình phát triển tâm sinh lý nên hoàn toàn trong tay mình đào tạo.
Vậy theo ông, trường học hiện nay đã làm tốt việc này chưa?
- Giáo dục ý thức tự chủ là quan trọng nhưng hiện nay, từ cấp tiểu học đến đại học, cao đẳng, ta thấy hầu hết học sinh đều không dám bày tỏ ý kiến riêng. Mấy chục năm trong ngành sư phạm, tôi thấy hạn chế ấy đến giờ vẫn tồn tại. Trước nay, ta cứ nói giáo dục chậm phát triển là do phương pháp dạy lỗi thời nhưng chỉ đúng một phần, vấn đề ở chỗ tại sao biết nó lỗi thời mà mãi chưa thay đổi được? Bởi trong văn hóa Việt Nam nói chung, giáo dục Việt Nam nói riêng, còn nhiều yếu tố lạc hậu, tính chất quyền uy lớn đè nặng lên tính cá nhân. Trường học nặng tính quyền uy sẽ sinh ra các thế hệ học sinh bị động.
Biểu hiện rõ nhất của kiểu trường học quyền uy mà ông nói là gì?
- Đơn giản nhìn vào khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhiều người vẫn đề cao và không ít trường lấy làm tôn chỉ của sự học. Có ý kiến suy từ “học lễ” tức là học làm người nhưng phải hiểu rõ khái niệm “lễ” ở đây là theo kinh điển Khổng giáo, không bao trùm phạm trù đạo đức. Thực chất, “tiên học lễ” chỉ mục đích đầu tiên của việc học là để biết cách ứng xử trên - dưới, kéo theo hàng loạt quan niệm thứ bậc, thủ tục rườm rà, coi trọng lễ lạc, nghi thức… Ở nhà thì bố mẹ, đến trường thì thầy cô có quyền lực tối cao nên học sinh từ bé đến lớn đều rụt rè, sợ sệt. Một điểm nữa của trường học quyền uy là không có đối thoại. Trong giáo dục, phải đối thoại thì mới học hỏi được nhiều điều, mới thể hiện tính dân chủ, nhưng ở ta, tính đối thoại nói chung là yếu. Kiểu học thầy đọc, trò chép hiện vẫn phổ biến…
Không phải là bài học trong sách vở
Theo ông để giáo dục đạo đức, ý thức tự chủ cho học sinh cần bắt đầu từ đâu?
- Trường học Việt Nam đi từ mô hình phong kiến đến thuộc địa, trong những năm kháng chiến có dân chủ nhất định nhưng nhìn chung tư duy cũ vẫn nặng. Nếu cứ giữ nếp như vậy sẽ rất hại cho việc xây dựng con người mới. Phải lột bỏ tất cả tính phong kiến, quyền uy trong nhà trường. Xã hội hiện đại cần những con người có ý thức trách nhiệm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết làm chủ bản thân, làm chủ đất nước.
Muốn xây dựng con người, hãy bắt đầu từ lòng khoan dung. Trước ý kiến chưa đúng, hành vi chưa chuẩn phải có sự khoan dung để người ta rút kinh nghiệm chứ không phải bắt bẻ, trách phạt. Những biện pháp răn đe vốn được áp dụng thường xuyên trong trường học hiện nay như: Viết bản kiểm điểm, gửi giấy cảnh cáo về gia đình, mời phụ huynh đến trường, hạ hạnh kiểm, đình chỉ học, ghi học bạ… đều không phải cách để giáo dục những đứa trẻ đang ở độ tuổi trưởng thành. Như tôi đã nói, độ tuổi đến trường là thời điểm các em đang có sự chuyển biến lớn về tâm lý, cá tính chưa hình thành rõ ràng và có thể uốn nắn được. Tuy nhiên, chúng ta đang nhìn vào cái xấu nhiều quá, bắt bẻ hơn là chỉ dạy bằng tình thương yêu, lòng bao dung. Trong khi đó, muốn xây dựng con người như thế nào thì phải có môi trường đạo đức cho người ta cơ hội phát triển những yếu tố đó.
Còn việc đưa các giá trị đạo đức trực tiếp vào chương trình giảng dạy như hiện nay thì sao? Chẳng hạn cấp tiểu học có môn Đạo đức, cấp THCS, THPT có môn Giáo dục công dân…
- Các yếu tố để xây dựng con người Việt Nam rất cần đưa vào nhà trường nhưng không phải trở thành bài học trong sách vở mà phải biến các giá trị đó thành không khí của nhà trường. Học sinh lớn lên trong không khí đó, nhiễm đạo đức đó. Tình thương yêu, sự tôn trọng, dân chủ không phải định nghĩa nằm trên giấy, ghi trong nội quy của nhà trường mà phải sống trong quan hệ thầy trò… Ví dụ, ở một ngôi trường tốt đẹp, tình thương yêu chan hòa, thầy cô nhiệt tình, bạn bè giúp đỡ lẫn nhau, các em sẽ ấn tượng suốt đời, mãi nhớ về nơi mình học tập với tấm lòng tri ân, rộng mở…
Quan niệm sai lầm từ trước đến nay là yêu cầu học trò rèn luyện đạo đức mà lại đánh đồng đạo đức với tri thức. Tri thức nôm na là sự hiểu biết về đối tượng, như những bài học cộng trừ nhân chia, giai đoạn lịch sử… còn đạo đức thể hiện trong quan hệ giữa người với người, định hướng giá trị cuộc sống. Dạy về giá trị của tình yêu thương, hãy để các em được sống trong môi trường yêu thương. Dạy về giá trị của sự sẻ chia, hãy cho các em sống trong môi trường mọi người đùm bọc, giúp đỡ nhau. Với ý thức tự chủ, trách nhiệm, sáng tạo cũng vậy…
- Xin cảm ơn ông.
Đại biểu nhân dân