366
+ aa -

Văn hóa - Giáo dục

Cập nhật lúc : 12/05/2015 08:05
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa - Không thể chậm hơn
Giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ tiến tới đa dạng sách giáo khoa. Chính vì vậy nhiều người băn khoăn tiêu chí nào để biên soạn sách giáo khoa theo hướng tiếp cận năng lực, để thể hiện được cụ thể chương trình, phù hợp điều kiện dạy học.
Nguồn: cand.com.vn

Theo lộ trình, đến năm học 2018 - 2019 sẽ chính thức thay sách giáo khoa (SGK) cuốn chiếu từng cấp học. Thời gian chỉ còn 3 năm, nhưng hiện tại, Bộ GD - ĐT vẫn chưa công bố chương trình cũng như các tiêu chí để viết SGK. Trong khi đó, biên soạn SGK không phải là chuyện đơn giản, nhất là khi chúng ta quyết tâm thay đổi cách tiếp cận giáo dục theo hướng phát triển năng lực cá nhân mỗi học sinh. Đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại Hội thảo “Biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy học và SGK theo chương trình giáo dục phổ thông - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam”, tổ chức ngày 6 - 7.5.

 

Hiện còn rất nhiều băn khoăn về việc lấy tiêu chí nào đánh giá chương trình là tốt để đánh giá được năng lực cũng như phẩm chất của học sinh? Tiêu chí nào đánh giá được SGK là tốt, thể hiện sự cụ thể của chương trình có phù hợp với điều kiện dạy và học của nước ta? Việc thiếu tiêu chí đánh giá SGK hiện đang là nguyên nhân khiến việc biên soạn SGK còn gặp lúng túng. Do đó, hỗ trợ tích cực cho việc biên soạn SGK, việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK là hết sức cần thiết và là việc cần làm ngay. Bởi những cuốn SGK không phải là một sản phẩm đơn lẻ mà là một khâu thống nhất trong chuỗi SGK phổ thông; không chỉ phục vụ một môn học mà còn là mối liên kết giữa các môn học.

 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, chủ trương một chương trình với nhiều bộ SGK là chủ trương lớn. Do đó, sẽ có bỡ ngỡ trong việc xác định mối quan hệ giữa chương trình với SGK, cũng như việc dạy học, kiểm tra đánh giá. Việc trước mắt là cần xác định đầy đủ và đúng hơn các tiêu chí đánh giá SGK theo chương trình giáo dục tiếp cận phát triển năng lực người học, phù hợp với điều kiện chung cả nước và điều kiện từng nơi khác nhau. Với định hướng này, có thể thấy, Bộ GD - ĐT cũng đang cố gắng bắt kịp với các xu hướng mới của thế giới. Do đó, việc xây dựng tiêu chí đánh giá SGK không thể để chậm trễ hơn nữa.

 

Tại hội thảo, Gs.Ts Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực Việt Nam, thành viên Ban Thường trực Đề án Đổi mới giáo dục phổ thông đã đưa ra 5 tiêu chuẩn đề xuất đánh giá SGK. Các tiêu chí đánh giá về nhiều mặt như tuân thủ Hiến pháp, yêu cầu về nội dung, tính sư phạm, cấu trúc văn bản và trình bày. Khẳng định các tiêu chuẩn đánh giá sách và quy trình soạn sách dựa trên các kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia về kinh nghiệm trong nước và quốc tế về biên soạn và đánh giá SGK. Gs.Ts Đinh Quang Báo cho rằng, SGK phải là một công cụ dạy học trong nhà trường với hai nhóm chức năng chính, đó là: cung cấp thông tin khoa học đã được trình bày chọn lọc theo các quy luật sư phạm và tổ chức hoạt động dạy học.

 

Theo dự kiến, quy trình biên soạn SGK áp dụng bắt buộc cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách gồm ba bước cơ bản. Đầu tiên phải có bản dự thảo và thử nghiệm sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Sau khi thử nghiệm, Hội đồng quốc gia sẽ thẩm định và phê duyệt bản thảo sách để in. Các tác giả sẽ được tập huấn về biên soạn SGK, sau đó viết đề cương và tổ chức góp ý về đề cương. Trên cơ sở các góp ý, tác giả hoàn thiện đề cương và soạn bản thảo sách giáo khoa theo đề cương. Bản thảo này sẽ được trưng cầu ý kiến và được Hội đồng quốc gia thẩm định, tổ chức dạy thực nghiệm. Bước cuối cùng là chỉnh sửa, phê duyệt cho phép sử dụng SGK.

 

Bộ tiêu chí đánh giá SGK sẽ đóng vai trò là công cụ được sử dụng để thẩm định chất lượng một cuốn, một bộ SGK trên các lĩnh vực cơ bản như nội dung, kiến thức được lựa chọn và phương pháp tiếp cận chương trình; các phương pháp tiếp cận nội dung kiến thức; văn bản giáo khoa như văn phong, các quy tắc ngữ pháp, chính tả…; thiết kế, mỹ thuật, kỹ thuật in. Bộ tiêu chí đánh giá cần rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, đầy đủ, dễ sử dụng, có thể dùng cho nhiều loại SGK; lượng hóa bằng điểm số; đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015.

 

Việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá SGK là hết sức cần thiết và cấp thiết. Làm tốt việc này sẽ giúp những nhà quản lý, nhà chuyên môn đánh giá được chất lượng SGK, đồng thời đưa ra những quyết định, quyết sách đúng, kịp thời, nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Tuy nhiên, những tiêu chí này mới chỉ là những đề xuất của các thành viên Tổ biên soạn SGK mới và vẫn đang thảo luận. Rất mong Bộ GD - ĐT sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá SGK nhằm chọn được bộ SGK tốt, phù hợp với điều kiện dạy và học của Việt Nam.

 

Người đại biểu nhân dân