Siết chặt đầu ra
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, GS.TS. Nguyễn Đông Phong cho biết, chuẩn đầu ra của trường mỗi năm được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình khoảng 50%, với hệ văn bằng 2 khoảng 30 - 40%, đại học chính quy, điểm chuẩn đầu vào là 22 - 23 điểm, tỷ lệ tốt nghiệp 80%, trong khi đó tỷ lệ tốt nghiệp cao học là 70%... Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp không cao do trường siết đầu ra, đặt chất lượng lên hàng đầu. Với nhà tuyển dụng, bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh được đánh giá cao. Trường cũng từng được tổ chức Eduniversal xếp hạng 701/1.000 trường kinh tế tốt nhất thế giới. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh là một trong số các trường ĐH thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động và Nhà nước đã cắt ngân sách chi thường xuyên từ năm 2008. Muốn duy trì hoạt động và chất lượng, phần lớn nguồn thu từ học phí, nhưng một số sinh viên, do không đạt tiêu chí, đã “rơi rụng” từ năm thứ 2. Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường mong muốn chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo tỷ lệ tốt nghiệp đầu ra, không căn cứ xét đầu vào như hiện nay.
Đây cũng là vấn đề được nhiều trường ĐH, CĐ quan tâm, trăn trở. Không nâng tỷ lệ đầu vào (hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo ấn định chỉ tiêu tuyển sinh theo đầu vào) thì phải cho hầu hết sinh viên tốt nghiệp, từ đó mới có kinh phí nuôi trường. Cũng bởi thế, giáo dục ở Việt Nam diễn ra tình trạng, học phổ thông rất nặng, khó để thi đại học, thi đỗ rồi chắc chắn sẽ tốt nghiệp, nên học đại học nhàn hơn phổ thông. Trong khi đó, ở các nước, tỷ lệ vào và ra đại học chênh lệch nhiều. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục đại học nước ta không cao, sinh viên không có động lực học. Trong khi đó, đáng lẽ các cơ sở giáo dục đại học không chỉ siết chặt tỷ lệ tốt nghiệp, mà còn đặt ra chuẩn chất lượng từng năm, sinh viên đạt chuẩn mới có thể học năm tiếp theo.
Bổ sung chỉ tiêu liên thông
Các chuyên gia cho rằng, sửa đổi việc xét chỉ tiêu tuyển sinh, từ tính theo đầu vào thành tính theo đầu ra, là cả quá trình và cần giải pháp đồng bộ. Các nước đã thực hiện và tổ chức nhiều kỳ tuyển sinh cũng vì lý do đó, trên nguyên tắc bảo đảm tính liên thông và phân hạng. Nếu học 1 tháng, hoặc 1 năm, không theo được chương trình, sinh viên có quyền chuyển sang trường dễ hơn để tiếp tục học, không phải thi lại từ đầu.
Việc quy định chỉ tiêu tuyển sinh tại Việt Nam đang được duy trì nhằm thúc đẩy cơ sở giáo dục đại học tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo; cân đối quy mô đào tạo giữa các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội... Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tiêu chí để xác định chỉ tiêu tuyển sinh là: số sinh viên chính quy tính trên 1 giảng viên quy đổi theo khối ngành của cơ sở giáo dục đại học; và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học tính trên 1 sinh viên chính quy; quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học. Trong khi thế giới hầu như không quy định về chỉ tiêu xét tuyển, thì ViệtNamvẫn chưa thể bỏ ngay quy định này.
Nhiều trường kiến nghị, hết năm học thứ nhất, nếu số sinh viên giảm sẽ được điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho năm sau hoặc tăng chỉ tiêu liên thông. Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, Bộ hoàn toàn ủng hộ việc các trường đại học thắt chặt đầu ra và sẽ cho phép tính thêm chỉ tiêu tuyển sinh. Nhưng việc sinh viên “rơi rụng” vào những năm cuối, không thể lấy đầu vào để bổ sung cho đầu ra. Các trường có thể bổ sung số sinh viên thiếu hụt ấy vào chỉ tiêu liên thông, thường học ngắn hơn (2 năm), khi ra trường cũng vừa kịp, điều ấy sẽ có lợi hơn. Với các trường đã tự chủ nên đề nghị mở rộng tỷ lệ liên thông. Trong khi đó, việc liên thông với các trường không tự chủ hiện vẫn có quy định ngặt nghèo. Theo đại diện một số trường đại học, nếu chưa tìm được hướng nào tốt hơn, việc bổ sung chỉ tiêu bằng liên thông cũng là một hướng mở. Nếu giải quyết được vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh trong 1 - 2 năm tới, chất lượng giáo dục đại học chắc chắn sẽ được cải thiện.
Đại biểu nhân dân