Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cùng gần 1.000 đại biểu, giáo viên, giảng viên dự lễ bế mạc.
Tinh thần hợp tác, chia sẻ và cầu thị của các thầy giáo, cô giáo, những người làm công tác dạy nghề của các trường thuộc 56 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được thể hiện rõ nét qua 6 ngày hội giảng. Đây thực sự là ngày hội lớn để người làm công tác dạy nghề chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh.
Các thầy, cô đã mang tới 236 bài giảng tích hợp của 41 nghề. Trong đó, tập trung vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vừa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học hiện đại.
Những bài giảng được trình bày là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp sư phạm truyền thống với thiết bị dạy nghề, cách dạy học mới, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học. Điển hình như bài giảng của thầy Hồ Sỹ Khương (Cao đẳng nghề Cơ khí Nông nghiệp Vĩnh Phúc) với nghề hàn; cô Nguyễn Thu Hà (Cao đẳng nghề TPHCM) với nghề điện tử công nghiệp …
Chia sẻ niềm vui với các thầy cô giáo, tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Hội giảng lần này có tính phong trào rộng rãi, nhằm từng bước nâng cao chất lượng bài giảng, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, qua Hội giảng, các thầy giáo, cô giáo tiếp tục đem sự nhiệt tình, quyết tâm của mình vượt qua những khó khăn trước mắt, cùng nhau thay đổi phương pháp dạy, nâng cao phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho đào tạo nghề, nhằm tạo nên nguồn nhân lực cho tay nghề cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Với sự nỗ lực của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương, trong thời gian qua, công tác dạy nghề đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: Mạng lưới trường dạy nghề được mở rộng và phân bố tương đối hợp lý giữa các vùng miền, quy mô đào tạo tăng, đào tạo nghề đã gắn với nhu cầu lao động… Việc ViệtNamđạt thành tích cao trong kỳ thi nghề ASEAN và thế giới vừa qua là một dấu ấn quan trọng trong công tác đào tạo nghề ở đất nước ta.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công tác dạy nghề còn vấp phải nhiều hạn chế khi chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, thiếu lao động có tay nghề cao, kỹ năng mềm, cơ cấu giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng… Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cần chú trọng xây dựng lực lượng giáo viên dạy nghề để tạo sự đột phá trong công tác dạy nghề những năm tới.
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã lựa chọn được 2 bài giảng điển hình về ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị dạy nghề tự làm hiệu quả nhất. Đồng thời, vinh danh 15 giáo viên đạt giải Nhất, 30 giáo viên đạt giải Nhì, 45 giáo viên đạt giải Ba và 84 giáo viên đạt giải Khuyến khích. Giải Nhất toàn đoàn được trao cho đoàn Hà Nội.
Chinhphu.vn