Sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), nhiều trường ĐH tốp đầu (có uy tín, chất lượng đào tạo) thông báo thiếu chỉ tiêu tuyển sinh và cần bổ sung ở đợt tuyển sinh tiếp theo.
Là trường đào tạo Y khoa hàng đầu cả nước nhưng khi kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, ĐH Y Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung cho một số ngành. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1.100 thì kết thúc đợt 1, trường mới nhận được 758 thí sinh xác nhận sẽ học ở trường. Đặc biệt đây là năm đầu tiên, ngành Y đa khoa - một ngành rất “hot”, thường đủ chỉ tiêu ngay đợt xét tuyển đầu tiên, thậm chí có nhiều năm thí sinh trên 27 điểm vẫn trượt, thì năm nay còn thiếu chỉ tiêu.
Tương tự, lần đầu tiên trong nhiều năm gần đây, ĐH Bách khoa Hà Nội không tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt 1 nên trường vừa thông báo tuyển bổ sung gần 800 chỉ tiêu cho 26 ngành đào tạo.
Không chỉ thiếu hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều trường ĐH tốp đầu còn thiếu hàng nghìn thí sinh vào học như: ĐH Mỏ địa chất thiếu 2.055 chỉ tiêu; ĐH Thương mại thông báo xét tuyển bổ sung 1.450 chỉ tiêu cho 12 ngành. Điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 17, giảm từ 3 đến 6 điểm so với điểm chuẩn đợt 1 của trường (trên 21 điểm ở tất cả các ngành)…
|
Đâu là nguyên nhân?
Có thể nói, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức tuyển sinh, nhiều trường ĐH tốp đầu đứng trước nguy cơ không tuyển đủ thí sinh vào học với số lượng lớn. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, trong đợt 1 xét tuyển ĐH năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng nên số lượng thí sinh ảo tương đối lớn.
Nếu như năm 2015, khi chốt đợt xét tuyển, mỗi thí sinh chỉ được xác định 1 trường, còn năm nay, khi hết hạn đăng ký xét tuyển, thí sinh vẫn còn đăng ký tại 2 trường khác nhau. Chính vì thế các trường ĐH khó dự đoán được số lượng thí sinh sẽ nhập học vào trường là bao nhiêu.
Ngoài ra, năm nay đề thi có tính phân loại cao nên phổ điểm thấp hơn đáng kể, vì thế điểm chuẩn năm nay lẽ ra phải thấp hơn nhiều so với dự kiến của các trường nhưng lại không như vậy.
Cùng chung quan điểm với việc lượng thí sinh ảo nhiều khiến các trường ĐH khó xác định được chính xác số lượng thí sinh nhập học, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội còn nhận định, trong đợt đầu tiên, thí sinh được đăng ký vào 2 trường ĐH, mỗi trường 2 nguyện vọng nên có nhiều em đạt điểm thi cao đăng ký vào ĐH Bách Khoa chỉ là nguyện vọng 2, còn nguyện vọng 1, đa phần các em đăng ký vào những trường ĐH công an, quân đội. Vì đây là những trường mà khi vào học, thí sinh không phải đóng học phí và được đảm bảo sau khi tốt nghiệp ĐH là có việc làm luôn.
VOV